Viêm gan siêu vi B

Tình trang nhiễm siêu vi viêm gan B trên thế giới: Việt nam được coi là vùng có nội dịch với khoảng 10% dân chúng bị nhiễm.

Thính giả Băng Băng hỏi:

Thưa Bác sĩ,

Em năm nay 19 tuổi, đang sống ở Nhật, được phát hiện bị viêm gan siêu vi B cách nay một năm (Alt: 33U/L), muốn hỏi Bác sĩ có cách nào chữa trị được không. Em đang rất hoang mang

Cảm ơn Bác sĩ.”

Bác sĩ Nguyễn Văn Đích trả lời:

Viêm gan siêu vi B là bệnh gây phản ứng viêm ở gan do nhiễm siêu vi viêm gan B. Bệnh hay xẩy ra ở Á châu, theo thống kê ở Việt nam có chừng 8- 10 triệu người bị nhiễm viêm gan siếu vi B với tỉ lệ 8.8% ở phụ nữ và 12.3 % ở nam giới. Để trả lời câu hỏi của thính giả Băng Băng ta lần lượt đề cập đến các điểm sau đây.

  1. Tại sao bị viêm gan siêu vi B? Viêm gan siêu vi B lây truyền do tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể của người đã bị viêm gan siêu vi B. Ở các nước công nghiệp hoá, viêm gan siêu vi B hay xẩy ra ở những người nghiện thuốc đường tĩnh mạch, do quan hệ tình dục với những người đã bị viêm gan siêu vi B, cũng hay xẩy ra ở người bi nhiễm HIV. Ở các nước đang phát triển như Việt nam, viêm gan siêu vi B thường do mẹ truyền cho con trong lúc sinh, do châm cứu, hoặc trích lể.
  2. Vì cách sinh bệnh khác nhau nên bệnh cảnh cũng khác nhau. Người lớn, hoặc trẻ em trên 5 tuổi nhiễm siêu vi viêm gan B có thể có triệu chứng giống như bị cảm cúm, mệt mỏi, đau nhức khớp, nước tiểu vàng, xét nghiệm thấy men gan tăng, có siêu vi viêm gan B trong máu. Các triệu chứng giảm dần, sau 6 tháng 90% bệnh nhân tự khỏi. Trẻ sơ sinh, lây bệnh từ mẹ trong lúc sinh ngược lại không có triệu chứng, phát triển bình thường, nhưng siêu vi tồn tại trong máu, 90% không khỏi. Thính giả Băng Băng không nói đến triệu chứng, nên có nhiều khả năng là thuộc nhóm này, vốn hay xẩy ra ở người Việt nam.
  3. Tuy không muốn đi sâu vào chuyên môn nhưng để hiểu vấn đề cũng cần biết một chút về sinh học. Siêu vi viêm gan B là một phân tử tương đối lớn, có một cái vỏ bọc ngoài một cái nhân. Khi siêu vi lọt vào cơ thể, vỏ bọc ngoài gọi là kháng nguyên bề mặt HBSAg, nhân hay lõi lọt vào tế bào gan, gọi là kháng nguyên nhân HBcAg, khi siêu vi gây bệnh sinh ra một chất protein gọi là kháng nguyên e HBeAg. Hệ miễn dịch hoạt động, tạo ra các kháng thể chống các kháng nguyên kể trên, lần lượt gọi là HBSAb, HBcAb, HBeAb, số siêu vi thay đổi có thể đếm được dùng đơn vị quốc tế (hay là bản), men gan Alt (Alanine aminotransferase) tăng khi có phản ứng viêm. Men gan Alt của thính giả là 33 U/L, trong giới hạn bình thường, men gan thay đổi do nhiều nguyên nhân, do nhiễm nhiều loại siêu vi khác, do uống rượu, do một số thuốc...Các nhà chuyên môn về viêm gan siêu vi B chọn giới hạn bình thường của Alt là 35 đơn vị ở đàn ông và 25 đơn vị ở đàn bà. Tiêu chuẩn đánh giá phản ứng viêm trong viêm gan siêu vi B là Alt tăng gấp 2 giới hạn bình thường.

    Siêu vi viêm gan B dưới kính hiển vi điện tử.

  4. Nhiễm siêu vi viêm gan B ở trẻ sơ sinh tiến triển qua 5 giai đoạn: giai đoạn dung nạp, giai đoạn miễn dịch hoạt động, giai đoạn nhân bản chậm, giai đoạn tái phát và giai đoạn ổn định.
  5. Trong giai đoạn dung nạp siêu vi và cơ thể chấp nhận nhau, số siêu vi có thể cao, men gan bình thường, người nhiễm không có triệu chứng, giai đoạn này kéo dài đến năm 20-30 tuổi.
  6. Giai đoạn miễn dịch hoạt động, hệ miễn dịch chống lại siêu vi, tạo phản ứng viêm ở gan, làm cho men gan ALT tăng, giai đoạn này kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm.
  7. Giai doạn sinh sản chậm, do phản ứng của cơ thể, số siêu vi trong máu giảm, men gan trở lại bình thường. Một số người không còn siêu vi trong máu, coi như người lành mang mầm bệnh, trong khi ở một số người khác siêu vi tồn tại ở mức độ thấp, men gan thay đổi, coi là bị viêm gan mãn tính.
  8. Giai đoạn tái phát, do đột biến siêu vi hoạt động trở lại, số siêu vi tăng, men gan tăng kèm theo viêm hoại tử ở gan, bệnh có thể nặng.
  9. Giai đoạn ổn định, sau nhiều năm, một số bệnh nhân không còn thấy siêu vi trong máu ngoại biên, bệnh nhân không được coi là khỏi vì siêu vi vẫn tồn tại ở trong gan, một số vẫn có thể bị tái phát nếu bệnh nhân vì một lý do nào đó được điều trị ức chế miễn dịch, một số bệnh nhân vẫn có thể bị ung thư gan nhất là khi đã có xơ gan.
  10. Có thuốc tiêm và thuôc uống để chữa viêm gan siêu vi B. Thuốc Interferon tiêm dưới da mỗi tuần một lần trong một năm, có nhiều tác dụng phụ. Hiện nay có hai loại thuốc uống thông dụng là Entecavir vàTenofovir, hiệu quả tương tự,có thể hạ thấp đền mức không còn thấy siêu vi trong máu ngoại biên, tuy nhiên trong phần lớn các trường hợp cần dùng thuốc lâu dài, có thể là suốt đời. Chỉ định điều trị tùy theo giai đoạn tiền triển của bệnh dựa vào số siêu vi, men gan, hoặc sinh thiết gan và tiền căn gia đình.
  11. Dù có điều trị hay không, người nhiễm siêu vi viêm gan B cần tuân theo một số quy định như sau: xét nghiệm tìm xem có nhiễm các siêu vi khác như viêm gan siêu vi A, C, D và HIV. Không uống rượụ, không hút thuốc lá, thăm khám kỳ theo chỉ định của bác sĩ, không uống các thuốc “bổ gan”, thuốc “mát gan” và các thuốc dân tộc, không dùng chung bàn chải đánh răng hoặc dao cạo râu với người khác, thân nhân nếu chưa có miễn dịch với viêm gan siêu vi B cần được chủng ngừa, cần dùng bao cao su khi quan hệ tình dục nếu người quan hệ chưa có miễn dịch. Viêm gan siêu vi B lây qua tiếp xúc giữa máu hoặc các chất dịch của cơ thể, không lây do tiếp xúc xả giao hàng ngày như gặp gỡ, bắt tay, gặp gỡ nói chuyện, ăn chung, dùng nhà vệ sinh chung…
  12. Phụ nữ có thể thụ thai nhưng cần làm 2 việc: điều trị bằng Tenofovir trong 3 tháng cuối của thai kỳ nếu số siêu vi trên 200.000 đơn vi/mL để giàm khả năng lây nhiễm cho trẻ sơ sinh, có thể ngưng điều trị sau khi sinh hoặc 3 tháng sau khi sinh; trẻ sơ sinh cần được tiêm globulin miễn dịch của viêm gan siêu vi B cùng với mũi chủng ngừa viêm gan B đầu tiên trong 12 giờ sau khi sinh, với hai liều tiếp theo vào lúc 1 và 6 tháng tuổi đối với trẻ sơ sinh trên 2 kg, và 3 liều tiếp theo vào 1, 2 và 6 tháng tuổi đối với trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2 Kg. Làm như vậy có thể giảm tỉ lệ lây nhiễm của trẻ sơ sinh xuống dưới 10%. Trẻ sơ sinh đã chủng ngừa có thể bú sữa mẹ. Phụ nữ có thai nếu có chỉ định vẫn cần điều trị bằng Tenofovir.
  13. Tóm lại thính giả Băng Băng không nên lo lắng lắm vì mới 19 tuổi, hãy còn trong giai đoạn dung nạm miễn dịch chưa cần điều trị trong lúc này nhưng cần theo những khuyến cáo kể trên và nên đi khám bác sĩ gia đình hoăc bác sĩ chuyên môn để được theo dõi.

Ngày 16-9-2019

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.