Viễn ảnh cuộc đấu tranh tại Hong Kong (kỳ 1)

Kêu gọi điều tra bạo lực cảnh sát liên quan đến cái chết của một sinh viên đại học University of Science and Technology, Hong Kong.

5 tháng, hay gần 23 tuần, qua là những cuộc biểu tình diễn ra liên tục tại Hồng Kông, ít nhất là hàng tuần, và có khi hàng ngày. Khởi đầu vào tháng Tư năm nay, nó trở thành rộng lớn, dồn dập và đầy ấn tượng vào đầu tháng Sáu, một phần vì tưởng niệm 30 năm biến cố Thiên An Môn. Nếu chỉ tính đến ngày 3 tháng 10 thôi thì đã có hơn một trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ khác nhau, hơn hai ngàn người bị bắt, và ít nhất ba ngàn đạn hơi cay bắn vào người biểu tình [1]. Đến hôm nay thì hơn ba ngàn người bị bắt, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diến, gần đây nhất là vào dịp lễ hội Halloween tuần qua [2].

Ngoại trừ dự luật dẫn độ đã được chính thức rút lại, bốn đòi hỏi còn lại của người Hồng Kông vẫn chưa được đáp ứng [3]. Không có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền Hồng Kông, hay Bắc Kinh, sẽ đáp ứng các đòi hỏi này, hoặc sẽ nhượng bộ ngồi xuống thảo luận với những người đấu tranh tại Hồng Kông, trong thời gian tới.

Những ấn tượng

5 tháng nhìn lại, cuộc đấu tranh của người Hồng Kông đã cho thấy những ấn tượng sâu sắc sau đây.

Một, con số kỷ lục. Về số người tham dự thì nó chiếm tỷ lệ có lẽ cao nhất tính theo dân số trong lịch sử. Con số này lúc lên cao đến hai triệu, lúc xuống còn vài ngàn hay vài trăm, nhưng phần lớn là biển người, biển dù, biển đen. Người tham dự cũng rất đa dạng, mang tính đại diện cho mọi thành phần xã hội, nhưng giới trẻ vẫn chiếm đa số.

Hai, tính sáng tạo và linh hoạt/động. Các chiến lược chiến thuật sử dụng đều phản ảnh yếu tố này, giống như phương châm “hãy là/như nước” của Lý Tiểu Long. Họ khai dụng các phương tiện truyền thông và kỹ thuật hiện đại để vận động người đi biểu tình và vận dụng cho mục tiêu biểu tình [4]. Họ vận dụng âm nhạc và nghệ thuật để tranh thủ lòng người. Họ sử dụng mặt nạ, dù và tia laser để chống hơi cay, và nhất là chống lại kỹ nghệ theo dõi nhận diện (surveillance technology). Họ hiểu một khi đã được thu thập thì hồ sơ dữ kiện sẽ còn mãi đó và có thể được sử dụng bất lợi cho họ về sau này. Họ luôn tìm ra các phương thức mới hoặc bất tuân đối với các biện pháp kiềm chế hay kiểm soát, kể cả bất tuân luật khẩn cấp cấm sử dụng mặt nạ.

Ba, tinh thần tự quyết, không lãnh đạo. Những người tham gia bất chấp mọi hiểm nguy, mọi quan ngại của gia đình, hay các ảnh hưởng bởi công ăn việc làm. Năm tháng, tuy không dài, nhưng kéo dài cuộc đấu tranh mỗi tuần, có khi mỗi ngày, trên mọi địa bàn chiến lược tại Hồng Kông mà không có lãnh đạo, không phải là điều dễ làm. Hẳn nhiên đằng sau phong trào đấu tranh tại Hồng Kông là các nhà doanh nhân, chiến lược gia, giới trí thức, và lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự v.v... Ngoài ra họ cũng có hàng trăm phối hợp viên khác nhau, được đào tạo các kiến thức và kỹ năng căn bản về đấu tranh bất bạo động v.v…, để thảo luận và lấy quyết định nhanh chóng. Nhưng họ không có lãnh đạo theo ý nghĩa một hay nhiều nhân sự chịu trách nhiệm chính, và cũng không theo cơ cấu hay tổ chức chặt chẽ nào cả. Nó cho thấy sự trưởng thành, tinh thần độc lập và khả năng tự quyết của phong trào, nhất là giới trẻ Hồng Kông.

Những thành tựu

Nhìn lại, cuộc đấu tranh của người Hồng Kông sau 5 tháng đã đạt được những gì?

Theo tôi, ít nhất là ba điều sau đây.

Một, chiếm được sự quan tâm của dư luận quốc tế, và qua đó sự ủng hộ. Các cuộc biểu tình quy mô và kéo dài năm tháng qua đã được truyền tãi bằng cách này hay cách khác đến mọi nơi trên địa cầu này. Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019 (Hong Kong Human Rights and Democracy Act of 2019) vào ngày 15 tháng 10 [5]. Nó cần phải được Thượng viện thông qua và tổng thống ký mới trở thành luật. Tựu chung, lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ cuộc đấu tranh của người Hồng Kông [6]. Và có thể nói đa số người dân và các chính trị gia thuộc các nền dân chủ cấp tiến chẳng có lý do gì để không ủng hộ những yêu cầu chính đáng của người Hồng Kông.

Hai, đặt tiêu chuẩn cho các cuộc vận động/đấu tranh (phần lớn) ôn hòa. Như đã trình bày trên, khả năng vận động số đông tham gia trong một thời gian dài, với đầy tính sáng tạo, linh hoạt và phong phú, và với một tinh thần tự quyết cao, đã làm cho người dân khắp nơi trên thế giới quan tâm theo dõi. Các phương thức liên lạc, phối hợp, tổ chức cho biểu tình và cử người đi khắp nơi để quốc tế vận một cách hiệu quả sẽ đáng để các cuộc đấu tranh về sau nghiên cứu học hỏi.

Ba, dấy lên niềm tin vào sức mạnh của khát vọng tự do. Phong trào đấu tranh tại Hồng Kông là một trong các biểu tượng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay cho khát vọng tự do trước mối đe dọa của chế độ độc tài cộng sản. Những học sinh trẻ 14, 15 tuổi, cho đến các sinh viên đại học, cho đến các vị lão thành 70, 80 tuổi, đều tham gia mạnh mẽ. Không phải tất cả đều đấu tranh vì tự do, dân chủ. Thật ra một thành phần không nhỏ tham gia vì bất mãn với nền kinh tế đang suy thoái và các vấn nạn xã hội, như thiếu hụt nhà cửa. Theo nghiên cứu thì giá nhà tăng gấp ba lần trong thập niên qua, tiền thuê nhà gia tăng 25 phần trăm trong sáu năm qua, khoảng 250 ngàn người đang chờ nhà ở công cộng, trong khi mức lương không tăng đủ so với sự gia tăng phí tổn trong cuộc sống của người Hồng Kông [7]. Nhưng hầu như tất cả người Hồng Kông, cho dù không tham gia trực tiếp, hay có ủng hộ Bắc Kinh vì quyền lợi cá nhân hay vì tinh thần dân tộc, trong thâm tâm sâu thẳm của họ, đều quan ngại những quyền tự do ngày càng bị soi mòn nếu Bắc Kinh tiếp tục can thiệp mà họ lại chấp nhận hay im lặng không làm gì cả.

Con đường kế tiếp là gì?

Tuy đầy ấn tượng, quyết tâm và chính nghĩa, và được phần lớn thế giới tự do ủng hộ, liệu người dân Hồng Kông có đạt được những mục tiêu của họ qua các hình thức đấu tranh như 5 tháng qua? Và mục tiêu sau cùng của họ là gì?

Ngay từ đầu, phong trào đấu tranh tại Hồng Kông đưa ra năm yêu cầu, trong đó chính thức rút lại dự luật dẫn độ đã được đáp ứng ngày 4 tháng 9, tức mất gần ba tháng [8]. Bốn yâu cầu khác của người dân Hồng Kông vẫn chưa được hiện thực. Đó là: ân xá cho những người biểu tình bị bắt, mở cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát, chấm dứt dán nhãn hiệu các cuộc biểu tình là “bạo loạn”, và áp dụng nghiêm chỉnh quyền bầu cử phổ thông.

Quyền phổ thông bầu cử thì dứt khoát Bắc Kinh sẽ không chấp nhận. Ba yêu cầu còn lại khó thể thỏa thuận được vì Bắc Kinh luôn nhìn nó với những hệ quả chính trị sâu sắc. Nó cũng ngược lại chung cách hành xử và tư duy chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh xưa nay. Nhượng bộ, trong mắt họ, là nhu nhược, là mất mặt. Và là cơ hội để đối thủ xấn tới. Ngay cả khi các quyết định và hành động là rõ ràng sai lầm, các chế độ độc tài cộng sản thay vì công nhận và sửa sai thì luôn tìm cách khỏa lấp, nguỵ biện và tuyên truyền. Họ cũng xóa sạch dữ kiện và viết lại lịch sử để cho ra một phiên bản “sự thật khác” (alternative facts) và cấm tất cả các phiên bản còn lại.

Phong trào đấu tranh tại Hồng Kông sẽ làm gì nếu cứ tiếp tục biểu tình nhưng vẫn không nhận được sự nhượng bộ nào ở trên? Và câu hỏi khác cần đặt ra là mục tiêu sau cùng của người Hồng Kông là gì? Hoàn toàn độc lập với Trung Quốc, hay vẫn tiếp tục “một quốc gia, hai chế độ” (one country, two systems) thực sự?

Tài liệu tham khảo:

1. Jin Wu, K.K. Rebecca Lai and Alan Yuhas, “116 Days of Hong Kong Protests. How Did We Get Here?”, The New York Times, 3 October 2019.

2. “China's Xi Jinping meets Carrie Lam in 'vote of confidence' amid Hong Kong protests”, ABC News, 5 November 2019; “Hong Kong Halloween revellers struck by tear gas as police clash with anti-Government protesters”, ABC News, 3 November 2019.

3. “The Hong Kong protests explained in 100 and 500 words”, BBC News, 14 October 2019.

3. “H.R.3289 - Hong Kong Human Rights and Democracy Act of 2019”, US Congress, 15 October 2019.

4. Paul Mozur and Lin Qiqing, “Hong Kong Takes Symbolic Stand Against China’s High-Tech Controls”, The New York Times, 3 October 2019.

5. Christopher Smith, “H.R.3289 - Hong Kong Human Rights and Democracy Act of 2019”, House - Foreign Affairs; Judiciary; Financial Services; Accessed 6 November 2019.

6. Haley Byrd, “House approves bills supporting pro-democracy activists in Hong Kong”, CNN. 15 October 2019.

7. Andrew J. Nathan, “How China Sees the Hong Kong Crisis”, Foreign Affairs, 30 September 2019.

8. Lily Kuo and Verna Yu, “Hong Kong's leader withdraws extradition bill that ignited mass protests”, The Guardian, 4 September 2019.