Việt Nam đẩy nhanh ‘xác minh quốc tịch’ nạn nhân chết trong xe tải ở Anh

Một phụ nữ cầu khấn bên bàn thờ có hình ảnh của Phạm Thị Trà My, bị nghi nằm trong số 39 nhạn nhân chết trong xe tải ở Anh, tại nhà bà ở Hà Tĩnh hôm 27/10. Việt Nam cho biết đang đẩy nhanh việc nhận dạng quốc tịch và danh tính của các nạn nhân.

Việt Nam đang cố đẩy nhanh việc xác định quốc tịch và danh tính của các công dân nghi là nằm trong số những người đã chết trong container của chiếc xe tải được phát hiện gần London vào tuần trước.

Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong một bản tin ngày 28/10, nói Bộ “đã làm việc với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, yêu cầu phối hợp, thông báo đến các cơ quan chức năng Anh đẩy nhanh công tác xác minh quốc tịch và danh tính của các nạn nhân.”

Thông tin từ một phiên xử tại một tòa án ở Anh hôm 28/10 hé lộ một đường dây toàn cầu đã tham gia hoạt động buôn người liên quan tới nhóm 39 người, theo Reuters. Tài xế của chiếc xe tải nói trên đang đối mặt với các cáo trạng về tội ngộ sát và buôn người.

“Quốc tịch của các nạn nhân chưa được xác nhận chính thức,” Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nói với Reuters hôm 29/10 bên lề một hội nghị tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Theo ông Cường, dù Việt Nam và Anh đang cố tăng tốc tiến trình nhận dạng các thi thể, nhưng không có thời hạn nào được đặt ra.

Hôm 28/10, chính phủ Việt Nam cho biết cảnh sát Anh đã gửi tài liệu liên quan đến bốn nạn nhân tới Hà Nội để xác minh lý lịch những người này.

Vụ phát hiện các thi thể trong một xe tải đông lạnh tại một khu công nghiệp gần London vào tuần trước đã gây chú ý tới các hoạt động buôn người bất hợp pháp, thường đẩy nhiều người nghèo ở châu Á, châu Phi và Trung Đông vào những chuyến đi mạo hiểm đầy gian nguy sang các nước phương Tây.

XEM THÊM: Vụ 39 người chết đông lạnh ở Anh: Cha 'cầu nguyện' cho con trai mất tích

Tại Việt Nam, triển vọng xin việc không sáng sủa, sự khuyến khích của chính quyền, các băng đảng buôn lậu, thảm họa môi trường và áp lực của chính phủ đối với người Công giáo là các yếu tố nội tại đằng sau làn sóng di cư, theo nhận định của Reuters.

Ước nguyện ra nước ngoài đã tạo ra một thị trường ngầm ngày càng lớn ở Việt Nam cho những kẻ buôn lậu, nhiều người hứa hẹn những chuyến đi an toàn và thậm chí “đặc biệt” để bí mật lẻn vào châu Âu, theo các chuyên gia chống buôn người, người di cư và các thành viên gia đình cho Reuters biết.

Theo truyền thông trong nước, Công an tỉnh Nghệ An hôm 26/10 đã khởi tố vụ án tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài. Cơ quan chức năng của Nghệ An, nơi có ít nhất hai người bị nghi là nạn nhân chết trên xe tải ở Anh, đang làm rõ hành vi người phụ nữ tên Loan (người địa phương) bị phát hiện sử dụng thị thực giả để đưa người khác qua Pháp lao động bằng đường du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Lễ hôm 28/10 cho VOA biết con trai của ông, Nguyễn Văn Hùng, đã mất tích trên đường từ Pháp sang Anh vào tuần trước. Gia đình ông Lễ đã gặp một số đại diện sứ quán Anh ở Việt Nam và đưa thông tin cũng như mẫu ADN để xác minh danh tính nạn nhân.

Những tin tức xoay quanh thảm kịch này đã đẩy nhiều gia đình tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào cảnh tuyệt vọng, nhiều gia đình đang lo sợ người thân có thể nằm trong số người chết.

Nhà chức trách ở Nghệ An kêu gọi các thành viên gia đình liên quan hãy gửi các bản sao ảnh và giấy tờ tùy thân tới Ủy ban Nhân dân địa phương để xác minh, theo một bản sao mà Reuters được xem.

Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong một tuyên bố vào cuối ngày 28/10, cho biết đến nay bộ đã nhận được thông tin từ 14 gia đình đang tìm kiếm người thân mất tích ở Anh.