Việt Nam được WHO chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA

Các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ mRNA giúp sản xuất ra vaccine - Pieter Cullis (trái), Drew Weissman (thứ 2 từ trái) và Katalin Kariko (phải) - nhận giải Vinfuture Grand Prize từ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại một lễ trao giải của Vingroup tại Hà Nội hôm 20/1.

Việt Nam là một trong số 5 quốc gia mới được Tổ chức Y tế Thế giới chọn lựa để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA nhằm ứng phó với COVID-19 và các đại dịch trong tương lai, theo Bộ Y tế Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, 4 quốc gia còn lại mới được WHO lựa chọn gồm có Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Serbia. Hiện có 11 quốc gia được nhận chuyển giao công nghệ loại vaccine được xem là tiên tiến nhất hiện nay.

Trước đó vào ngày 18/2, WHO thông báo 6 nước đầu tiên đuợc chọn lựa – đều ở châu Phi, trong đó có Nam Phi và Ai Cập – để thiết lập dây chuyền sản xuất từ trung tâm vaccine mRNA toàn cầu của tổ chức này nhằm đảm bảo khu vực này có thể tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19 và các dịch bệnh khác.

Theo WHO, những nước này được lựa chọn bởi một nhóm các chuyên gia và do đã chứng minh được rằng họ có khả năng hấp thu công nghệ này và, cùng với việc đào tạo có mục đích, sẽ tiến tới việc sản xuất một cách nhanh chóng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreysus chủ trì buổi công bố hôm 23/2 đối với Việt Nam và 4 quốc gia còn lại, theo Bộ Y tế.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long nói tại buổi công bố trực tuyến rằng việc lựa chọn cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất vaccine tại khu vực. Các trung tâm này sẽ phục vụ các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình muốn sản xuất sinh phẩm, như vaccine, insulin, kháng thể đơn dòng và phương pháp điều trị ung thư.

Vaccine mRNA là một công nghệ tiên tiến cho phép việc sửa đổi và cập nhật nhanh chóng để đáp ứng với các biến thể mới của virus cũng như việc sản xuất với số lượng lớn. Pfizer và Moderna là hai loại vaccine duy nhất hiện nay đang được sản xuất theo công nghệ này.

Vào tháng 1 vừa qua, các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa mRNA – gồm Pieter Cullis, Drew Weissman và Katalin Kariko - đã được Quỹ VinFuture của tỷ phú giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng, trao giải thưởng trị giá hàng triệu đô la Mỹ vì những gì họ đã làm giúp mở đường cho việc chế tạo loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả, cứu sống vô số người.

Theo người đứng đầu WHO, một trong những trở ngại chính trong quá trình chuyển giao công nghệ cho các nước thu nhập trung bình và thấp là việc thiếu lực lượng lao động có tay nghề và các hệ thống quản lý lỏng lẻo, theo TTXVN.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Long cho biết rằng Việt Nam dù là nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vaccine trong nhiều thập kỷ qua và rằng hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia của Việt Nam cũng được WHO công nhận.

Người đứng đầu Bộ Y tế Việt Nam cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các nhà sản xuất vaccine trong nước trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Việt Nam, từ một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất khu vực giờ đây đã trở thành một trong 6 nước có số luợng người được tiêm hai mũi vaccine cao nhất thế giới nhờ có lượng vaccine từ chuơng trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX và nguồn hiến tặng từ nhiều quốc gia, trong đó nhiều nhất là từ Mỹ.

Đại sứ mới của Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hôm 1/3 cho biết Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam thêm 1,6 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech tới TPHCM. Theo vị đại sứ mới nhậm chức hồi tháng 1, tới nay Mỹ đã trao tặng Việt Nam hơn 26 triệu liều vaccine COVID-19 thông qua cơ chế COVAX.

Hiện Việt Nam đang tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người trưởng thành với mục tiêu hoàn thành chiến dịch “tiêm chủng thần tốc” vào cuối tháng sau.