Việt Nam tăng năng lực quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo

Mỹ tặng Việt Nam nhiều tàu thuyền tuần tra trong những năm qua

Chính phủ Việt Nam hôm 30/6 loan báo qua trang Facebook chính thức về việc thủ tướng phê duyệt chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030.

Quyết định của thủ tướng, ký hôm 26/6, nhắm đến đầu tư, nâng cấp mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường biển, hải đảo, gồm 32 trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên và môi trường, 25 trạm radar biển, 35 trạm phao biển trong giai đoạn 2016-2025.

Từ 2021-2025, theo quyết định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được nhận 2 tàu điều tra-nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển, trong đó, 1 tàu có tổng dung tích là 3.000 GT (tương đương gần 8.500 mét khối) và 1 tàu nhỏ hơn với tổng dung tích là 600 GT. Tiền đầu tư cho hai con tàu này sẽ từ ngân sách trung ương.

Trong cùng giai đoạn, ngân sách trung ương cũng sẽ được chi để đóng mới 1 tàu đo đạc và nghiên cứu biển có tổng dung tích khoảng 500 GT dành cho Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng.

Vẫn theo quyết định của thủ tướng Việt Nam, sau năm 2025 đến hết năm 2030, nhà nước tiếp tục đầu tư để đóng thêm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 tàu điều tra-nghiên cứu biển, gồm 2 chiếc loại 3.000 GT và 1 chiếc loại 600 GT.

Như vậy, trong cả hai giai đoạn, tổng cộng sẽ có 6 tàu điều tra-nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển được đóng mới.

Ngoài các hạng mục công việc lớn nêu trên, chương trình vừa được thủ tướng phê duyệt cũng sẽ đầu tư, tăng cường phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ điều tra, khảo sát, kiểm soát ô nhiễm và quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cũng như cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Việc thiết lập hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và phương tiện hiện đại sẽ phục vụ cho công tác điều tra cơ bản, quan trắc, kiểm soát, bảo vệ môi trường và xây dựng cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo của Việt Nam, bản quyết định của thủ tướng viết.

Lâu nay, Việt Nam vẫn coi các cơ sở, hệ thống theo dõi, giám sát trạng thái biển là những thành phần quan trọng đóng góp vào nỗ lực đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ vùng biển và hải đảo của Việt Nam.

Ở Biển Đông, Việt Nam có các tranh chấp khác nhau trong nhiều năm qua với Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Malaysia về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và một số phần thuộc Vùng đặc quyền kinh tế.