Việt Nam thắt chặt an ninh trong phiên toà xử Đinh La Thăng

Cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng được dẫn giải tới toà án ở TPHCM hôm 14/12 cho phiên toà xử ông cùng nhiều đồng phạm liên quan tới vụ sai phạm cao tốc TPHCM-Trung Lương.

An ninh được thắt chặt với hàng chục cảnh sát được huy động khi cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng và các đồng phạm được đưa ra xét xử hôm 14/12 trong phiên toà dự kiến diễn ra nhiều ngày.

Theo truyền thông trong nước, Toà án Nhân dân TPHCM sáng ngày 14/12 mở phiên toà xét xử ông Thăng cùng nhiều đồng phạm, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”

Ông Thăng cùng các bị cáo khác được đưa từ trại giam ở Củ Chi sớm hơn một tiếng trước phiên xét xử vào sáng ngày 14/12, theo VnExpress. Trước đó, ông Thăng, bị giam giữ tại trại giam B14 của Bộ Công an ở Hà Nội, và các bị cáo từ các trại giam khác ở miền Bắc được di lý vào TPHCM để tiến hành xét xử.

“An ninh thắt chặt” trong phiên xử ông Thăng, từng là bí thư thành uỷ TPHCM, theo VietNamNet. Hàng chục cảnh sát đã được huy động để bảo vệ phiên xét xử này.

Trước đó, Tuổi Trẻ cho biết ông Thăng có 6 luật sư bào chữa, gồm 3 người thuộc Đoàn Luật sư TPHCM và 3 người thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong vụ xét xử dự kiến kéo dài đến ngày 25/12 về vụ sai phạm tại cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Trong vụ án này, viện kiểm sát xác định rằng từ chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Thăng và cựu Thứ trưởng Trường, công ty của ông Đinh Ngọc Hệ, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn của Bộ Quốc phòng, đã trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương, từ đó “chiếm đoạt tiền thu phí hơn 725 tỷ đồng.” Cáo trạng được Đại Đoàn Kết trích dẫn cho biết ông Thăng “đã làm trái quy định của Nhà nước dẫn đến sai phạm gây thiệt hại 725 tỷ đồng” và số tiền này bị ông Hệ, còn được gọi là ‘Út Trọc’, “chiếm đoạt”.

Ông Hệ và 12 đồng phạm khác cũng bị đưa ra xét xử trong phiên toà này với cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi,” theo Lao Động.

Ông Thăng bị bắt vào cuối năm 2017 sau khi bị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc khởi tố, khám xét và tạm đình chỉ nhiệm vụ cũng như quyền hạn của Đại biểu Quốc hội đối với ông.

Đầu năm 2018, ông Thăng đã bị đưa ra xét xử hai lần trong các vụ án về “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” Ông Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái” trong phiên xử thứ nhất, cùng với cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, vào tháng 1/2018 liên quan đến các sai phạm trong “quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – nơi ông Thăng từng là người đứng đầu. Cựu bộ trưởng GTVT bị kết án 18 năm tù trong phiên toà thứ 2 sau đó 2 tháng trong vụ án thất thoát 800 tỷ đồng của Petro Vietnam khi đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Chiến dịch chống tham nhũng, được gọi là “đốt lò”, do Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động trong hơn hai năm qua đã đưa nhiều lãnh đạo cấp cao và quan chức của cả ngành công an, quân đội và ngân hàng ra trước “vành móng ngựa”. Trong số đó ông Thăng trở thành thành uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên của Việt Nam bị đưa ra xét xử và kết án tù.