Việt Nam ‘thất thủ’ trước COVID không chỉ bởi ý thức người dân

Ảnh tư liệu - Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

“Trong hoàn cảnh này thì mình phải tự lo thân mình thôi. Sức khoẻ gia đình mình thì mình phải tự giữ.” Chia sẻ của chị Nguyễn Thuỳ Ngân, một cư dân quận Ba Đình, Hà Nội, cũng là tâm sự của rất nhiều người về tình hình đại dịch Covid ở Việt Nam lúc này.

...đợt dịch bùng phát ở Việt Nam, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng Tư tới nay có một phần nguyên nhân không nhỏ từ sự quản lý và tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội một cách duy ý chí.


Theo chị Ngân, đợt dịch bùng phát ở Việt Nam, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng Tư tới nay có một phần nguyên nhân không nhỏ từ sự quản lý và tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội một cách duy ý chí.

Nhiều người bất bình vì giữa lúc nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát cao sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5 thì bầu cử Quốc hội lại được tổ chức tại tất cả các địa phương, thôn xóm “để đáp ứng nhiệm vụ chính trị kịp thời”, tập trung hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn, người xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu.

Ngay sau đó, việc đổi chứng minh nhân dân sang loại mới gắn chip được triển khai, khiến một lần nữa rất nhiều người phải tập trung, xếp hàng, chờ đợi. Dịch bệnh bùng phát, việc cấp giấy đi làm nhiều người “hãi hùng” khi thêm một lần lại phải tập trung đông đảo, chầu chực.

các việc làm này thể hiện sự duy ý trí và tự mãn một cách thái quá sau hơn 1 năm Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch.

Anh Nguyễn Minh Nguyên, một cư dân quận Thanh Xuân, cho rằng các việc làm này thể hiện sự duy ý trí và tự mãn một cách thái quá sau hơn 1 năm Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch.

“Vaccine thì gần như chưa tiêm được một mũi cho dân mà đi tổ chức các hoạt động tập trung đông người như thế thì đúng là không thể chấp nhận được. Tôi thật sự cũng không thể hiểu người ta nghĩ gì nữa,” anh Nguyên bức xúc.

Chị Ngân nói ngay cả thời điểm Hà Nội cho mở cửa trở lại cũng rất khó hiểu.

“Tôi cũng không biết làm sao người ta lại quyết định mở cửa, cho phép người dân đi lại bình thường ngay trước đêm Trung thu, sao không lùi lại một ngày để qua Trung thu đi. Mở cửa ngay trước Trung thu khiến dân ùn ùn đổ ra đường. May là rất nhiều người đã được tiêm vaccine đấy, chứ không thì lại thêm nhiều ca dương tính ‘bung toang’ rồi lại đóng cửa trở lại. Thôi ở trong chế độ này thì phải chấp nhận mà sống thôi,” chị Ngân ngao ngán.

không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu dân và cho rằng sự quản lý yếu kém, thiếu tầm nhìn đã khiến đại dịch trầm trọng hơn, đẩy hàng triệu người vào cảnh khó khăn...

Báo chí nhà nước lâu nay ngụ ý tuyên truyền rằng ý thức người dân kém góp phần làm bùng phát dịch. Những người chỉ trích nói không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu dân và cho rằng sự quản lý yếu kém, thiếu tầm nhìn đã khiến đại dịch trầm trọng hơn, đẩy hàng triệu người vào cảnh khó khăn, thậm chí là màn trời chiếu đất, và gây ra làn sóng “di tản” khỏi các đô thị và trung tâm công nghiệp vì kiệt quệ do phong toả.

“Không thể tưởng tượng được. Giờ đây người ta rời bỏ các thành phố và trung tâm công nghiệp như cảnh chạy loạn và tản cư thời chiến tranh. Trẻ con mấy tháng cũng phải cùng bố mẹ đi hàng nghìn cây số. Ngủ ngoài đường, thậm chí là sinh con ngoài đường. Bạn mình chuyên làm việc cho các hội đoàn thiện nguyện, giờ lúc nào cũng phải túc trực trên một số tuyến đường để phát đồ ăn cho người ta. Cả gia đình đi về quê mà có gì đâu, có khi chỉ có vài nắm cơm và chăn chiếu. Nếu thêm một, hai cái bu gà nữa là giống y cảnh tản cư trong chiến tranh mà mình thường thấy trên phim ảnh,” chị Ngân chia sẻ cảm nghĩ.