Việt Nam và Trung Quốc chính thức cho thăm thác Bản Giốc xuyên biên giới sau thời gian thí điểm

Bức ảnh chụp ngày 12/3/2017 cho thấy thuyền du lịch của người Việt Nam (phải) và Trung Quốc (trái) trước thác Bản Giốc, nằm trên khu vực biên giới đất liền Việt-Trung ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, phía bắc Việt Nam.

Việt Nam và Trung Quốc vừa chính thức mở cửa thác Bản Giốc-Đức Thiên cho khách du lịch tham quan xuyên biên giới, theo truyền thông hai nước cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Lý Cường thăm Hà Nội nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia Cộng sản láng giềng.

Tuyên bố chung giữa ông Lý và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, được đưa ra hôm 14/10, nói rằng hai nước “tuyên bố chính thức vận hành Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc), khuyến khích các du khách hai bên tham quan nước bên kia, thúc đẩy ngành du lịch, hợp tác hàng không phục hồi và phát triển lành mạnh.”

Các tờ báo nhà nước của cả Việt Nam và Trung Quốc đưa tin rằng lễ vận hành chính thức khu du lịch xuyên biên giới này đã diễn ra hôm 15/10, do Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng của Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc tổ chức.

Báo Chính phủ cho biết rằng đây là khu hợp tác xuyên biên giới hai nước trên cơ sở Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc-Đức Thiên. Theo tờ báo chính thức của Chính phủ Việt Nam, hai bên đã triển khai thí điểm khai thác khu cảnh quan này trong hơn một năm qua trước khi chính thức mở cửa.

Còn bản tin của Tân Hoa Xã, đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, cho biết đây là khu hợp tác du lịch xuyên biên giới đầu tiên của Trung Quốc, với phần diện tích của nước này trải dài khoảng 2 km vuông ở Sùng Tả, một thành phố giáp biên của khu tự trị dân tộc Choang.

Tuyên bố của hai thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc trong cuộc gặp hôm 13/10, được VnExpress trích dẫn, nói rằng khu hợp tác xuyên biên giới hai nước này có diện tích 400 ha với 200 ha ở mỗi bên.

Trích dẫn số liệu của Trung tâm thông tin du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, báo Chính phủ cho biết trong giai đoạn thí điểm từ ngày 15/9/2023 đến 11/10/2024, tổng lượng khách qua lại tham quan du lịch tại khu thác Bản Giốc-Đức Thiên là hơn 16.000 người, trong đó có gần 5.200 người từ Việt Nam sang khu cảnh quan phía Trung Quốc và hơn 10.900 người từ Trung Quốc sang khu cảnh quan phía Việt Nam.

Trong ngày mở cửa chính thức hôm 15/10, có 40 khách Việt Nam và 80 khách Trung Quốc sang thăm khu cảnh quan của hai bên, theo báo Chính phủ.

Các du khách Việt Nam và Trung Quốc có thể qua lại lãnh thổ của nhau tại khu du lịch thác Bản Giốc-Đức Thiên mà không cần xin thị thực, theo tìm hiểu của VOA.

Báo Chính phủ còn cho biết rằng “tạm thời chưa cho phép công dân nước thứ 3 thông qua lối qua lại Khu cảnh quan đi vào tham quan phía bên kia” và rằng mỗi đoàn du lịch qua biên giới không được tham quan quá 6 giờ cũng như không được lưu lại trái phép.

Theo Tân Hoa Xã, thác Đức Thiên-Bản Giốc là thác nước xuyên biên giới lớn nhất châu Á.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Tây Hồ Phàm được hãng tin nhà nước Trung Quốc trích lời nói rằng việc chính thức ra mắt khu hợp tác du lịch xuyên biên giới dự kiến sẽ mang lại những hiểu biết giá trị cho sự mở cửa và hợp tác cấp cao giữa hai nước.

Còn tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định rằng việc mở cửa khu hợp tác du lịch xuyên biên giới này “phản ánh mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn” giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Viện trưởng Viện nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Hải dương Nhiệt đới Hải Nam Cố Hiểu Tùng được tờ báo trích lời nói rằng khu du lịch xuyên biên giới này là “dự án mang tính bước ngoặt thể hiện nỗ lực chung của cả hai bên, chắc chắn sẽ thúc đẩy giao lưu nhân dân, bên cạnh những kết quả kinh tế từ việc thúc đẩy du lịch khu vực.”

Khu vực thác Bản Giốc từng được xem là “nhạy cảm” và có lịch sử tranh chấp lâu đời cũng như được dư luận hai nước Việt Nam và Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

Nhưng theo Tiến sỹ Trần Công Trục, người từng công tác tại Ban Biên giới Chính phủ, nói với Thanh Niên hồi tháng 10/2021 rằng “không có chuyện Việt Nam đã để mất thác Bản Giốc vào tay Trung Quốc, như một số người, do vô tình hay cố ý, viện dẫn các tư liệu lịch sử, văn học, sách giáo khoa, thậm chí cả Sách Trắng của Bộ Ngoại giao công bố vào những năm 1970 để khẳng định rằng toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam.”

TS Trục cho biết rằng vấn đề này “đã được giải quyết cực kỳ công bằng, khách quan và cầu thị, hoàn toàn phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế,” theo Thanh Niên.

Việt Nam và Trung Quốc vào tháng 8/2015 đã ký Hiệp định về Thác Bản Giốc sau 7 năm đàm phán. Theo Dân Trí đưa tin lúc đó, việc ký kết hiệp định này đã khép lại hoàn toàn giai đoạn đàm phán đường biên giới trên bộ và là “bài học lớn để hai bên tiếp tục đàm phán giải quyết những tranh chấp khác trong thời gian tới.”

Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp diễn trong nhiều năm qua.

Hơn 1 tuần trước khi ông Lý đến Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra phản đối việc tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công và làm ngư dân Việt Nam đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa bị thương dù Bắc Kinh phủ nhận việc này. Ông Chính và ông Lý, trong cuộc gặp ở Hà Nội, đã trao đổi “thẳng thắn về vấn đề trên biển” cũng như nhất trí xoa dịu căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông.