Viết Từ Ba Lan…

Trụ sở đài truyền hình Ba Lan tại thủ đô Warsaw, ngày 17/5/2015.

Tôi đến Ba Lan vào một ngày mùa đông tháng mười hai. Sân bay Chopin lặng lẽ chào đón tôi đến thủ đô Warsaw. Đó là điểm khác biệt đầu tiên tôi nhận thấy giữa Warsaw và những thủ đô hoa lệ khác của châu Âu như Luân Đôn hay Amsterdam. Không ồn ào hay vội vã, Warsaw im lìm giữa làn sương mù dày đặt trong một mùa đông vĩnh cữu. Ba Lan trong trí tưởng tượng của tôi là một nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đặc trưng của những năm 90 qua lời kể của những bác lớn tuổi từng được nhà nước cử đi học thời còn Liên Xô, là một xã hội bao cấp của những tem phiếu hay tàu điện cũ kĩ do Liên Xô tài trợ. Ngoài cái không khí lạnh buốt đặc trưng của Đông Âu đó, thủ đô Warsaw ngày nay đã hoàn toàn thay đổi.

Warsaw ngày nay là một thành phố hiện đại của gần hai triệu dân, ngoài người gốc Ba Lan thì thành phố này còn là quê hương của người Do Thái, người Trung Đông, người Hoa, người Việt. Cộng đồng người nhập cư chiếm một phần không nhỏ dân số của thành phố này, tạo nên sự đa dạng cho Warsaw. Những người nhập cư sống hoà nhập với người dân bản xứ từ bao thế hệ nay. Họ đã và đang chung tay xây dựng nên một đất nước Ba Lan ngày càng phồn vinh.

Ba Lan có một hệ thống phương tiện chuyên chở công cộng đa dạng và tiện nghi. Xe buýt, tàu điện ngầm, xe lửa cao tốc là những phương tiện công cộng hiện đại vào bậc nhất Châu Âu. Ba Lan phát triển như vũ bão từ sau khi Liên Xô tan rã và chế độ Cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, đặc biệt là sau khi đất nước này gia nhập Liên Minh Châu Âu. Ba Lan ngày càng nâng cao vị thế chính trị của mình trong cộng đồng quốc tế. Người dân Warsaw văn minh, lịch sự. Cả thành phố không thấy một mảnh rác. Cây xanh phủ đầy các con đường. Về đêm, thủ đô Warsaw rực rỡ với những chùm đèn trang trí Giáng Sinh khắp mọi nẻo đường từ trung tâm thành phố cho đến các đại lộ cao tốc.

Thế nhưng, dấu vết của một thời chủ nghĩa xã hội vẫn ẩn hiện đâu đó đan xen với sự nhộn nhịp năng động của Warsaw, mà nếu như không để ý kỹ, du khách như tôi không dễ gì phát hiện. Một vài nhà hàng thiết kế và phục vụ theo kiểu căn tin xếp hàng chờ mua đồ, hay các tiệm bách hoá, vốn đặc trưng mô hình bao cấp xã hội chủ nghĩa vẫn còn hoạt động ở đây. Phần lớn là người già và những người thu nhập thấp vẫn đến dùng bữa ở những nhà hàng thế này. Ngoài ra, nằm ngay giữa trung tâm Warsaw sầm uất là Cung Văn hoá (the Palace of Culture), công trình kiến trúc đặc trưng Liên Xô cũ. Cung Văn hoá này là quà tặng của Liên Xô cho Ba Lan vào những năm 1950 và đã trở thành điểm kiến trúc nổi bậc nhất của Warsaw những năm về sau. Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa tan rã ở Đông Âu, người dân thành phố đã nhiều lần kiến nghị chính quyền phá huỷ toà nhà này vì nó gợi lại ký ức về những năm tháng xã hội chủ nghĩa Ba Lan và đặc biệt là sự kiểm soát và đàn áp từ Liên Xô.

Nói thêm về chủ đề này, cậu bạn người Ba Lan của tôi chia sẻ rằng cái ác cảm dành cho Liên Xô và chế độ Cộng sản vẫn còn rất rõ rệt trong mỗi người dân Ba Lan. Cái ký ức đó truyền đến thế hệ của cậu qua lời kể của ông bà, cha mẹ, những người sống trong giai đoạn đó. Ký ức về cuộc sống dưới chính quyền Cộng sản và sự can thiệp của Liên Xô đã vĩnh viễn trở thành bài học quý báu của người dân Ba Lan về tự do, dân chủ. Cũng như hình ảnh một Trung Quốc hung hăng bá quyền đối với láng giềng Việt Nam, Nga đã và vẫn đang là sự đe doạ tiềm tàng trong cái nhìn của mổi người dân Ba Lan. “Ai ai cũng nghi kỵ mỗi khi nhắc đến Liên Xô và chủ nghĩa Cộng sản, ai ai cũng bồn chồn khi thấy Nga ngày càng lớn mạnh và lãnh đạo Nga ngày càng độc đoán”, cậu chia sẻ.

Thế nhưng, ký ức đó giờ đây đã phai mờ ít nhiều trong mỗi người Ba Lan tôi bắt gặp trên đường. Cái ranh giới giữa Đông Âu nghèo khó, cũ kỹ và Tây Âu hiện đại tiến bộ đã phai mờ. Thay vào đó là những gương mặt thân thiện, những cuộc trò chuyện cởi mở về công việc, tương lai, hay những chia sẽ về những nơi tôi nên tham quan, những quán bar tôi nên ghé qua. Người dân Ba Lan ngày nay đang hưởng thụ một cuộc sống tiện nghi, tiến bộ do chính sách hội nhập với cộng đồng chung Châu Âu mang lại. Họ nói bằng một thứ tiếng Anh cực chuẩn, có người còn biết hai, ba thứ tiếng khác như Pháp, Bỉ, Nga, hay Tây Ban Nha. Những cuộc trò chuyện cứ thế kéo dài đến vô tận giữa tôi và những người bạn bản xứ giữa một thành phố nhộn nhịp và hiện đại vào những ngày đầu tháng mười hai giá lạnh.

Từ Ba Lan, 10/12/2015

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.