Môi trường và biến đổi khí hậu: Một thách đố đối với Việt Nam

Hiện tượng nước mặn tràn vào đất canh tác chỉ là một trong vô số các thách thức về môi trường ngày càng trở nên cấp bách tại Việt Nam

Cách đây độ một năm, một số nông dân quận Bình Thạnh ở vùng được xem là vựa lúa của Việt Nam, đã bắt đầu nghi ngờ rằng nước dùng để tưới ruộng đã trở nên quá mặn.

Hãng tin Reuters tường thuật rằng, các nông dân này chia sẻ quan tâm với Giám đốc Trung Tâm Khí tượng Thủy Văn tỉnh An Giang, ông Võ Thanh. Sau khi lấy mẫu thử nghiệm, ông Thanh cho biết là những lo sợ của các nông dân là đúng, bởi vì độ mặn của nước có nguy cơ gây thiệt hại cho mùa màng. Ông cố vấn các giới chức địa phương loan báo cho nông dân tức thời ngưng tưới nước vào ruộng.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều nghe theo lời khuyên này. Những nông dân này đã chịu nhiều thiệt hại, và khoảng 4000 hecta ruộng lúa bị hư hại.

Hiện tượng nước mặn tràn vào đất canh tác chỉ là một trong vô số các thách thức về môi trường ngày càng trở nên cấp bách tại Việt Nam, những vấn đề này càng trầm trọng hơn nữa vì biến đổi khí hậu, đang là một trắc nghiệm đối với khả năng của nhà nước Việt Nam trong việc phối hợp các biện pháp để đáp ứng với tình hình.

Trong khi các cuộc thương thuyết đang diễn ra tại Cancun, Mexico để đặt nền móng cho một thỏa thuận nhằm giảm bớt hiện tượng tăng nhiệt địa cầu, thì Việt Nam chỉ mới ở trong giai đoạn đầu để lập ra kế hoạch hầu có thể thích nghi với những thay đổi đã xảy ra.

Nhiều cuộc nghiên cứu liên tiếp đã báo động rằng Việt Nam là một trong những quốc gia trên địa cầu có nguy cơ bị tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu, như mực nước biển dâng cao, và khí hậu bất thường.

Vùng đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực đặc biệt có nhiều nguy cơ. Gần phân nửa vựa lúa của Việt Nam xuất phát từ lưu vực sông Mekong, kể cả hầu hết số lượng gạo mà Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài để trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau có Thái Lan.

Gần 1/5 của dân số lên tới 86 triệu người Việt Nam sinh sống tại vùng đồng bằng Sông Mekong, và đây là một trong những khu vực được coi là có tính đa dạng sinh thái cao nhất thế giới.

Một cuộc nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế thực hiện trong năm 2010 ước lượng rằng mực nước biển dâng cao lên 17cm, đi kèm với một số biến đổi khí hậu khác, có thể giảm sản lượng lúa của Việt Nam đến 18,4% trước năm 2030.