Chỉ số giá tiêu dùng VN tăng 8.69% trong 4 tháng đầu năm

Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam (CPI), một thước đo lạm phát chính, dự kiến sẽ tăng với tỷ lệ 8.69% so với cùng kỳ năm ngoái trong bốn tháng đầu năm nay.

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc trích nguồn của Tổng Cục Thống kê hôm thứ Hai cho biết chỉ số CPI riêng trong tháng Tư dự kiến sẽ tăng 0.14% so với tháng Ba, và được coi là tỷ lệ tăng thấp nhất kể từ tháng Ba năm 2009.

CPI tháng 4 tăng ở 9/11 nhóm trong nhóm hàng hóa chung với mức tăng từ 0,12-2,51%. Tăng cao nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 2,51%, tiếp đến là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, đồ uống, thuốc lá, may mặc giày dép.

Tăng thấp nhất là nhóm giáo dục và nhóm giao thông với mức tăng 0,12%. Hai nhóm hàng hóa giảm rõ rệt là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; bưu chính viễn thông.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4 giảm tốc là nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm hàng hóa đóng góp gần 40% trong cơ cấu CPI) đã bất ngờ giảm sau gần 1 năm liên tục tăng.

Giá lương thực tại các tỉnh phía Nam đã giảm nhờ có vụ mùa bội thu. Trong khi đó, giá thực phẩm, nhất là thịt lợn đã giảm rõ rệt do cung cầu đã cân bằng trở lại sau các tháng Tết.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng 4, mặc dù giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng rất cao nhưng với cơ cấu chỉ chiếm 10% trong CPI nên việc tăng giá của nhóm hàng hóa này không có khả năng “kéo” CPI chung tăng cao.

Trong tháng 4, cả vàng và đôla Mỹ trên thị trường tự do đều giảm rõ rệt do giá vàng thế giới giảm và do chính sách thay đổi tỷ giá đôla Mỹ và đồng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng.

Chính vì vậy, giá vàng tháng 4 đã giảm 0,8% so với tháng 3, đưa giá vàng 4 tháng qua giảm 4,53% so với 12/2009. Giá đôla Mỹ giảm 0,28% so với tháng 3, đưa giá đồng ngoại tệ này 4 tháng qua tăng 1,22% so với tháng 12/2009.

Tổng cục Thống kê dự báo, với diễn biến thực tế giá cả hiện nay, CPI tháng 5 dự kiến sẽ chỉ tăng từ 0,3-0,4%.