Việt Nam khoan dầu trên Biển Đông bất chấp Trung Quốc

Tàu Hải giám Trung Quốc (trên) gần tàu Tuần duyên Việt Nam trên Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 kilômét (ảnh tư liệu ngày 14/4/2017)

Việt Nam đã tiến hành khoan dầu tại một khu vực mà Trung Quốc nói thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông và hành động này được cho là nguyên nhân khiến phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long, đột ngột cắt ngắn chuyến thăm viếng Hà Nội gần ba tuần trước đây, các nguồn tin cho hay.

Một nhà quan sát từ Hoa Kỳ nói với VOA rằng sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines thì Trung Quốc không có lý do để ngăn cản Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc thềm lục địa của mình.

Bản tin của đài BBC dẫn lời ông Ian Cross thuộc công ty tư vấn về dầu hỏa Moyes & Co có trụ sở tại Singapore cho biết tàu khoan Deepsea Metro 1 đã bắt đầu khoan trên vùng biển nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 400km hôm 21/6.

Cũng theo bản tin này, hành động này của Hà Nội dường như là lý do khiến cho ông Phạm Trường Long đã đột ngột hủy tham dự cuộc giao lưu quốc phòng biên giới giữa hai nước Trung-Việt.

Tạp chí “The Diplomat” chuyên về các vấn đề quan hệ quốc tế của Mỹ dựa vào các nguồn tin riêng của họ cũng cho biết rằng cuộc Giao lưu Quốc phòng Biên giới lần thứ tư giữa hai nước đã bị hoãn đột ngột hồi tháng trước với nguyên do là phía Bắc Kinh bất bình với việc Hà Nội nối lại việc thăm dò dầu khí trên Biển Đông.

Tuy nhiên, truyền thông chính thức của cả Việt Nam và Trung Quốc đều không đề cập bất cứ điều gì về việc này. Thông báo chính thức của cả hai phía cho biết ông Phạm hủy bỏ tham dự cuộc giao lưu do “những vấn đề trong việc sắp xếp công việc.”

Tàu khoan Deepsea Metro 1 hoạt động theo hợp đồng với công ty quốc tế Talisman-Vietnam. Khu vực Việt Nam thăm dò là lô 136-03 theo cách gọi của Việt Nam trong khi Trung Quốc gọi là lô Vạn An Bắc. BBC cũng dẫn lời một nguồn tin trong ngành cho biết Talisman-Vietnam đã bị từ chối cấp phép khoan dầu trong ba năm qua do lo ngại làm Bắc Kinh tức giận.

Tờ “Diplomat” thì cho rằng vụ việc Tướng Phạm Trường Long đột ngột cắt ngắn chuyến thăm là bước lùi lớn nhất trong quan hệ song phương kể từ cuộc khủng hoảng giàn khoan vào tháng 5/2014.

Tờ báo này dẫn một nguồn tin giấu tên từ Việt Nam cho biết ông Phạm đã “nêu vấn đề Việt Nam khoan dầu với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và yêu cầu Việt Nam dừng khoan dầu ở lô 136-03.

Các nguồn tin Việt Nam cho hay vị lãnh đạo Việt Nam không được tiết lộ danh tính được cho là đã “mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam” trước yêu cầu của ông Phạm, và chính cuộc trao đổi này giữa Tướng Phạm và vị lãnh đạo Việt Nam đã khiến ông Phạm Trường Long hủy tham dự cuộc giao lưu quốc phòng đã được lên kế hoạch từ trước.

Theo phân tích của phóng viên Bill Hayton của BBC, người nhiều năm theo dõi những diễn biến trên Biển Đông, thì nguyên nhân Hà Nội có hành động quả quyết trước Bắc Kinh là vì Hà Nội có lẽ cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy ý tưởng “Một Vành đai, Một Con đường” (OBOR) cũng như Hiệp định đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) trong khi Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra vào mùa thu năm nay nên họ khó lòng leo thang căng thẳng trong khu vực.

Trao đổi với VOA, GS Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói rằng vùng biển mà Việt Nam thăm dò thuộc thềm lục địa của Việt Nam và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đã nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền trên Biển Đông nên “Trung Quốc không có lý do gì để nói vấn đề ở đây là vấn đề tranh chấp”.

“Trung Quốc chỉ ỷ thế mạnh để lấy thịt đè người,” ông Long nói.

“Lúc trước Việt Nam còn nhân nhượng Trung Quốc nhưng bây giờ đã có phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế thì Việt Nam thấy rằng Việt Nam có lý do để theo đuổi phán quyết của tòa án ở The Hague,” ông nói thêm.