Việt Nam nhắm mục tiêu đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo

Một nông dân thu hoạch lúa ở ngoại thành Hà Nội.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020. Tuy nhiên, niềm tự hào “nhất thế giới” này chưa chắc mang lại niềm vui thực sự cho người nông dân.

Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư trên thế giới, sau Ấn Độ, Thái Lan và Hoa Kỳ. Vào năm 2019, Việt Nam thu về 1,4 tỷ đôla từ xuất khẩu gạo, chiếm gần 5% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới.

“Năm nay chúng ta phấn đấu xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một cuộc thảo luận ở Quốc hội vào đầu tuần này.

Ông Phúc nói mục tiêu 45 triệu tấn lúa năm 2020 phải “đảm bảo,” ngành phấn đấu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, tương đương 12-13 triệu tấn lúa, dành 13 triệu tấn gạo tiêu dùng trong nước.

Nếu đạt được mục tiêu này, Việt Nam có thể thu về gần 3,9 tỷ đôla, theo Tạp chí Tài chính.

Nhận định về mục tiêu này, giáo sư – tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nhận định, với tình hình sản xuất được mùa như hiện nay ông tin rằng Việt Nam có đủ lượng gạo chất lượng cao - yếu tố quan trọng để đưa giá gạo Việt lên cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

“Trúng mùa! Nhờ mùa lũ cuối năm 2019 nên vụ Đông xuân đầu năm 2020 rất thuận lợi, lúa tốt. Hiện giờ Philippines cũng mua, Indonesia, Trung Quốc cũng mua…nên giá bán của mình cũng cao hơn một chút nhờ nhiều người mua, vì vậy mà nông dân cũng phấn khởi.”

Truyền thông Việt Nam cho biết trữ lượng trung bình hàng năm của Việt Nam là khoảng 43,5 triệu tấn thóc, nhưng chỉ sử dụng hết 29,96 triệu tấn và dư ra 13,54 triệu tấn, tính ra còn dư khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

XEM THÊM: Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo dừng xuất khẩu gạo giữa dịch Covid-19

Trước đó, dư luận và các thương nhân xuất khẩu Việt Nam tỏ ra lo ngại về các nghịch lý lâu nay trong chính sách điều tiết xuất khẩu gạo của chính phủ, cho rằng có sự “trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo, tính minh bạch trong chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý Nhà nước và của các tổ chức,” do các “ông lớn” trong ngành thao túng.

Trước phản ứng của các doanh nghiệp về việc giá gạo thế giới tăng cao trong mùa dịch Covid-19, hơn 500 đôla/tấn, nhưng lại không được phép xuất khẩu, nên từ đầu tháng 5/2020 chính phủ đã bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo.

Báo Thanh Niên cho biết, một nghịch lý nữa là, dù được mệnh danh là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng nông dân, những người trực tiếp sản xuất lúa gạo vẫn nghèo.

Lý do kể ra có thể rất nhiều, nhưng rõ ràng, lời lãi trong xuất khẩu gạo đã “thẩm thấu” ở khâu trung gian. Giá xuất khẩu hiện nay khoảng 450-500 đôla/tấn, nhưng người sản xuất chỉ nhận được khoảng 300 đôla/tấn. Phần còn lại là chi phí và nhà xuất khẩu hưởng lợi.