Việt Nam có mạnh miệng khi hứa đến 2050 phát thải sẽ về 0?

Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Glasgow

Lời hứa của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 rằng Việt Nam sẽ đưa phát thải khí nhà kính về 0 trong vòng 30 năm nữa được thế giới hoan nghênh nhưng có ý kiến bày tỏ nghi ngờ Việt Nam khó lòng đạt được.

Trước đó, hôm 1/11, trước các lãnh đạo thế giới tại Hội nghị của các bên về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26) đang diễn ra ở Glasgow, Anh, ông Chính đã nêu ra mục tiêu đầy tham vọng này.

“Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,” ông Chính phát biểu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Việt Nam cũng kêu gọi các nước phát triển vốn chịu trách nhiệm phần lớn cho lượng khí thải carbon trong quá khứ ‘cần thực hiện đầy đủ các cam cam kết tài chính đã có và khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa’, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.

Mục tiêu phát thải bằng 0 đến năm 2050 của Việt Nam là rất táo bạo, tức là sớm hơn 10 năm so với Ấn Độ và 20 năm so với Trung Quốc, các nước phát thải nhiều thứ ba và nhiều nhất thế giới.

Hoan nghênh nhưng nghi ngờ

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, cho biết ông ‘hoan nghênh’ mục tiêu này của Việt Nam nhưng bày tỏ nghi ngờ ‘Việt Nam khó lòng làm được’.

“Nếu ông ấy [ông Chính] quyết tâm làm được như thế thì là một điều rất tốt. Tôi chỉ e rằng lời hứa của người ta nhiều khi không được giữ bởi vì hứa là một chuyện còn làm là một chuyện khác,” ông A nói.

Ông A dẫn chứng việc Bộ Công thương vừa công bố quy hoạch điện Việt Nam trong đó ưu tiên phát triển điện than – vốn phát thải nhiều carbon – để nói rằng Việt Nam không nghiêm túc trong việc cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ông cho rằng ‘chỉ những nước tiên tiến vốn có đủ điều kiện để chuyển đổi sang năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo’ thì mới dám hứa mạnh miệng như vậy, trong khi Việt Nam còn là nước đang phát triển vốn cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trong 30 năm nữa.

Mặc dù khó, nhưng ông cho rằng giảm phát thải về 0 là điều mà Việt Nam cần làm, cho dù có hy sinh tăng trưởng kinh tế.

“Sự phát triển không thể được đánh đổi bằng sức khỏe của người dân,” ông A khẳng định và cho rằng Việt Nam ‘không nhất thiết chạy theo tăng trưởng bẩn’.

Phải rất cố gắng

Nhà bất đồng chính kiến này nói để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ ‘phải rất cố gắng’.

“Phải cấm hoàn toàn điện than, rồi phải đẩy nhanh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng như nhiều biện pháp khác nữa, chẳng hạn như trong sản xuất, chăn nuôi và giao thông vận tải,” ông cho biết.

“Khi Việt Nam tự chủ được nhiều điện gió, điện mặt trời rồi thì còn phải sản xuất được thiết bị nạp điện, lưu trữ điện để cho người dân xài,” ông nói thêm. “Thời hạn 30 năm là rất khó.”

Ông nói ông ủng hộ việc đánh thuế xăng dầu đối với các doanh nghiệp sản xuất vì ‘chỉ như vậy mới buộc họ từ bỏ năng lượng hóa thạch, chuyển đổi công nghệ nếu không sẽ bị phá sản’. Tuy nhiên, đối với đại đa số người dân, vốn quen với việc chạy xe máy bằng xăng, ông nói việc chuyển đổi ‘phải từ từ’ và không nên tăng thuế xăng đối với tiêu dùng cá nhân.

“Phải có sự thay thế cho người dân, chẳng hạn như ô tô điện, xe máy điện,” ông nói.

Ông A thừa nhận là đặt mục tiêu phát thải về 0 sớm hơn Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ khiến cho Việt Nam gặp bất lợi, nhưng ông cũng nói: “30 năm không quá ngắn. Nếu Việt Nam có quyết tâm thật sự để thay đổi công nghệ, thay đổi cách tư duy, cách làm ăn thì đó có thể là cơ hội rất lớn để Việt Nam phát triển lên.”

Việc Việt Nam đưa ra cam kết tham vọng như thế, theo ông A, cũng là một cách để gây sức ép buộc các nước phát triển phải giữ đúng cam kết và tăng thêm tài trợ cũng như chuyển giao công nghệ để giúp cho Việt Nam chuyển đổi.

“Trường hợp Việt Nam không đạt được mục tiêu thì có thể đổ lỗi là tại vì ‘quý vị không chịu giúp gì cả hoặc là giúp quá ít,” ông A phỏng đoán.

Tổng thống Biden hoan nghênh

Cam kết của ông Chính tại COP26 đã nhận được sự ‘đánh giá cao’ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp gỡ chào hỏi bên lề giữa hai nhà lãnh đạo, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc hợp tác tài chính-công nghệ giữa hai nước để đối phó với các vấn đề khí hậu, và hoan nghênh các công ty Mỹ tham gia vào việc chuyển đổi xanh tại Việt Nam, theo tường thuật của Thanh Niên.

Ông Gareth Ward, đại sứ Anh tại Việt Nam, trả lời báo Tuổi Trẻ rằng mục tiêu mà ông Chính nêu ra tại hội nghị là ‘bước tiến thực sự tham vọng của Việt Nam và ‘đóng góp lớn’ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới. Ông nói nước Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.

Việt Nam là một trong những nước bị tổn thương nhiều nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như là một trong những nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới (xếp thứ 21 thế giới và thứ 2 ASEAN), ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, trưởng đoàn đàm phán về Biến đổi khí hậu của Việt Nam, nói với Trang báo điện tử Chính phủ về mục tiêu của phái đoàn Việt Nam tại COP 26 trước khi hội nghị diễn ra.

Hiệp định Paris, được ký kết vào năm 2015, đặt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp để nhằm tránh những hậu quả khốc liệt của biến đổi khí hậu.

Các nước châu Âu như Anh, nước chủ nhà COP26, và Pháp, nước bảo trợ cho Thỏa thuận Paris, cũng đặt mục tiêu nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, tức là giống như cam kết của Việt Nam. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden nói tại Glasgow rằng Mỹ, nước phát thải nhiều thứ hai thế giới, cam kết giảm lượng phát thải từ 50% đến 52% so với mức 2005 cho đến năm 2030.