Việt Nam: doanh nghiệp khuyến dụ công nhân đi làm lại sau Tết

Một công nhân may mặc đang làm việc ở tỉnh Nam Định. Ngành may mặc là một trong những ngành cần rất nhiều nhân công ở Việt Nam

Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động sau Tết do một phần lao động về quê tránh dịch không trở lại nên phải tung nhiều ra nhiều khuyến dụ để thu hút nhân công, theo tìm hiểu của VOA.

Đợt giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng hồi năm ngoái đã khiến hàng trăm ngàn công nhân bỏ việc ở các khu công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận về lại quê nhà để tránh dịch, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết.

Sức ép tuyển dụng lớn

Các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thiếu khoảng 30.000 nhân công, chưa tính số lượng thiếu hụt trong các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn là 51.000 người, theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố được trang mạng Zing dẫn lại.

Tỉnh Bình Dương cũng đang cần tuyển thêm 40.000 người để bù đắp vào số lao động còn thiếu còn tại tỉnh Đồng Nai, số lao động thiếu hụt là khoảng 42.000 người, Zing dẫn nguồn từ các cơ quan quản lý lao động ở các tỉnh này cho biết.

Số lao động thiếu hụt chủ yếu là lao động chân tay ở các ngành thâm dụng lao động như may mặc, giày da, cơ khí, điện-điện tử, chế biến…, cũng theo Zing.

Tình trạng thiếu hụt lao động này nếu kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp khó lòng hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu đúng thời hạn, làm chậm lại quá trình phục hồi sau dịch của Việt Nam.

Một trường hợp được Zing nêu ra là một công ty dệt may ở Khu công nghiệp Mỹ Phước, Thị xã Bến Cát, Bình Dương, trong vòng một tuần lễ sau khi hết thời hạn nghỉ Tết họ chỉ tuyển được 60 lao động trong khi nhu cầu cần đến 500 người.

Trao đổi với VOA, ông Võ Phương Linh ở Human Power, một công ty chuyên về tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp đóng trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cho biết đến giờ ông vẫn ‘chưa tuyển đủ người’ cho các khách hàng của ông.

“Sau dịch các doanh nghiệp mất lao động khá là nhiều. Nhiều người ngại đi làm lại. Một số người khác do về quê lúc gần Tết nên ở lại quê luôn,” ông cho biết.

Theo lời ông thì năm 2021 là năm thị trường lao động Việt Nam ‘biến động lớn nhất’ từ trước đến nay với gần 70% lực lượng lao động bị mất do ảnh hưởng của dịch.

‘Nhiều ưu đãi’

Theo Zing hiện giờ các doanh nghiệp còn tung ra nhiều chiêu khuyến dụ chẳng hạn như cử người xuống tận các vùng quê để mời gọi đi làm hay trả hoa hồng cho những ai giới thiệu lao động vào làm việc.

Ông Linh cũng nói rằng các doanh nghiệp phải đưa ra nhiều ưu đãi hơn thì mới mong thu hút được lao động.

“Hiện tại họ cũng nâng mức lương của người lao động lên, với lại nâng tiền bảo hiểm và tiền phụ cấp cho mọi người lên thêm một ít để hỗ trợ người lao động quay lại làm việc,” ông nói.

Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp tổ chức xe về đưa công nhân ở dưới quê lên mà không cần phải đợi họ lên đến tận nơi để nộp đơn, phỏng vấn như trước. Khi lao động vào làm thì cũng chỉ cần làm xét nghiệm nhanh rồi cho vào làm. Những ai dính virus corona thì bị tách riêng ra cho đến khi nào khỏi bệnh thì cho vào làm, cũng theo lời chuyên gia tuyển dụng này.

Có doanh nghiệp còn chủ động đi tìm kiếm hay sắp xếp chỗ ở sẵn cho công nhân ở gần công xưởng để họ tiện đi làm việc trở lại, ông Linh cho biết thêm.

Theo phân tích của ông Linh thì trong số những người đã bỏ việc về quê, có những người quyết định ở lại luôn, nhưng cũng có những người đã nghỉ làm mấy tháng rồi nên ‘họ sẽ đi làm trở lại’.

Nhờ vào số lao động quay lại này mà hiện giờ ông Linh đã tuyển được gần 95% lao động cho công ty TTI vốn chuyên sản xuất linh kiện điện tử không dây tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 2 (VSIP 2) ở tỉnh Bình Dương, ông cho biết.

Theo lời ông thì những lao động mới vào này phải mất một tháng đào tạo tay nghề thì mới bắt tay vào việc được.

‘Ở quê luôn’

Bà Nguyễn Bích Thủy, 63 tuổi, quê ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là một trong số những lao động đã về quê rồi quyết định ở lại luôn. Trước dịch, hai vợ chồng bà đều là công nhân thời vụ của hãng sản xuất hàng gia dụng Lock&Lock thuộc khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trao đổi với VOA, bà Thủy cho biết hiện giờ bà đang bị đau nhức khớp nên không thể đi làm xa được nữa. Hai vợ chồng bà đã đi xe máy về lại Cà Mau sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ hồi đầu tháng 10 năm ngoái.

“Tui không đi làm thì ổng cũng ở nhà luôn. Đi thì đi hết hai người,” bà Thủy nói, ý nói đến chồng bà, và cho biết trong mấy tháng vừa qua vợ chồng bà phải sống nhờ vào chu cấp của con cái vốn cũng sống ở gần đó.

“Con cái cũng sợ dịch bệnh nên cũng không muốn để cha mẹ đi làm nữa,” bà phân trần và cho biết nhiều người ở xã bà ‘cũng về quê tránh dịch rồi ở lại luôn’.

Về dự định trước mắt, bà Thủy nói bà tính sẽ mở buôn bán đồ ăn như bún hay bánh mì để kiếm thu nhập vì ở quê bà không có nhà máy nào để bà đi làm.