Việt Nam: Giá xăng tiếp tục tăng, thuế môi trường sẽ giảm

Xăng dầu ở Việt Nam là mặt hàng được Nhà nước kiểm soát giá

Giá xăng dầu Việt Nam tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp để đạt mức giá kỷ lục mới trong lúc nhà chức trách chuẩn bị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát đang bủa vây đời sống người dân.

Sau cuộc họp điều hành giá xăng hôm 21/6, liên Bộ Công thương-Tài chính đã thông báo giá xăng RON 95-III, loại xăng chiếm tỷ lệ gần 70% trên thị trường Việt Nam, tăng thêm 500 đồng lên 32.870 đồng một lít.

Trong khi đó, giá xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 190 đồng lên 31.300 đồng một lít kể từ 15h ngày 21/6, báo chí trong nước đưa tin.

Giá dầu còn tăng mạnh hơn giá xăng. Dầu diesel tăng mạnh nhất – với mức tăng 990 đồng – lên 30.010 đồng một lít, còn dầu hỏa lên mức 28.780 đồng một lít, tăng 950 đồng.

Như vậy, sau bảy lần tăng giá liên tiếp kể từ ngày 21/4, mỗi lít xăng RON 95-III ở Việt Nam đã tăng thêm 5.560, tương đương gần 17%; trong khi mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 4.830 đồng, tương đương trên 15%.

Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng Việt Nam đã trải qua 16 lần được liên Bộ Công thương-Tài chính điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng, 3 lần giảm giá.

Giảm thuế

Trong lúc này, Bộ Tài chính vừa loan báo họ đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Theo đó, mức thuế môi trường đối với xăng từ 2.000 đồng giảm xuống còn1.000 đồng/lít; mức thuế đối với dầu diesel giảm từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít, còn dầu hỏa vẫn tiếp tục bị đánh thuế môi trường ở mức 300 đồng/lít.

Tuy nhiên, nghị quyết này còn phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và phải đến tháng 8 mới có hiệu lực. Từ giờ đến lúc đó, người dân Việt Nam vẫn phải gánh mức thuế môi trường cao đè nặng lên giá xăng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính do báo Sức khoẻ và Đời sống dẫn lại, việc giảm thuế này sẽ khiến ngân sách Việt Nam sẽ thất thu khoảng 1.400 tỉ đồng mỗi tháng, và nếu tính cả năm 2022 Việt Nam sẽ thu thuế ít hơn khoảng 7.000 tỷ đồng nếu việc giảm thuế bắt đầu từ tháng 8.

Ngoài thuế bảo vệ môi trường, xăng dầu ở Việt Nam còn chịu ba loại thuế khác là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tổng cộng, các loại thuế, phí hiện đang chiếm khoảng 30% giá thành xăng dầu.

Trong một phỏng vấn mới đây, bà Phạm Chi Lan, cựu thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nói với VOA rằng chính phủ nên tiếp tục giảm hơn nữa thuế, phí các loại đánh vào xăng dầu và cho rằng việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường ‘chỉ đỡ được một phần’ trong bối cảnh Việt Nam đang chịu áp lực lạm phát rất cao.

Bà Lan cũng kêu gọi xem lại cách tính thuế, phí xăng dầu vì cách tính theo tỷ lệ hiện nay, tức là giá xăng dầu tăng thì thuế, phí thu được từ xăng dầu cũng tăng lên, ‘rất bất lợi cho người tiêu dùng’. Bà nói thay vì đặt tỷ lệ, chính phủ nên đặt ra một con số thuế, phí cố định.

Bà bày tỏ lo ngại về việc ‘một số ngành không có động lực nhiều lắm để giảm giá xăng dầu bởi vì đối với họ nếu giá xăng dầu cao thì thuế, phí họ thu được càng cao’.