Thực hiện chiến lược dùng người của Đảng Cộng sản Việt Nam là không để cho người tỉnh nào lên làm lãnh đạo tỉnh đó, bộ máy nhân sự của Đảng đặt mục tiêu đưa người từ nơi khác về làm lãnh đạo cao nhất ở toàn bộ 63 tỉnh thành trong cả nước.
Hiện nay, đã có phân nửa, tức 32 trong tổng số 63 bí thư tỉnh ủy không phải là người địa phương, bà Trương Thị Mai, trưởng Ban Tổ chức Trung ương của Đảng, được báo chí trong nước dẫn lời cho biết. Số còn lại sẽ được thay kể từ nay đến hết nhiệm kỳ, tức là đến năm 2026.
Bà Mai, vốn đồng thời cũng là một Ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực, đưa ra tuyên bố này tại hội nghị bồi dưỡng kiến thức về Xây dựng Đảng cho các cơ quan thông tấn và báo chí trong nước hôm 14/7.
Theo lời phân tích của bà Mai được tờ Thanh Niên dẫn lại thì người đến từ nơi khác làm lãnh đạo địa phương ‘về cơ bản tốt hơn’ người có xuất thân tại chỗ.
“Cán bộ, đảng viên, nhân dân ở đó họ sẽ nhìn anh, người ta soi anh, anh phải giữ gìn hơn. Anh phải khẳng định mình trưởng thành, làm việc có hiệu quả,” bà Mai được dẫn lời nói, và cho rằng bí thư tỉnh ủy là người nơi khác tới ‘sẽ có động lực khác’ so với người tại chỗ.
“Còn nếu bí thư là người địa phương, trưởng thành ở đó, lớn lên ở đó… thì sẽ ỉ lại, sống lâu lên lão làng…,” người đứng đầu bộ máy nhân sự của Đảng Cộng sản nói tại hội nghị với báo chí.
Tuy nhiên, việc sắp xếp này cũng nên có ngoại lệ, theo lời bà Mai. Chẳng hạn, những cán bộ dân tộc thiểu số không nên được điều đi lãnh đạo ở những tỉnh, thành không có cộng đồng dân tộc thiểu số đó.
Về mô hình kiêm nhiệm, bà Mai được dẫn lời nói bà ủng hộ để cho bí thư tỉnh ủy, vốn là lãnh đạo về mặt Đảng, kiêm luôn chức người đứng đầu hội đồng nhân dân mặc dù cơ quan này về danh nghĩa là do người dân bầu lên để giám sát hoạt động của chính quyền. Theo mô hình này thì Đảng làm và tự kiểm tra việc làm của mình luôn.
Lâu nay, theo mô hình lãnh đạo địa phương của Đảng thì phó bí thư tỉnh ủy thường được giao làm chủ tịch Ủy ban Nhân dân, tức người đứng đầu cơ quan hành pháp địa phương. Như vậy, nếu bí thư được giao làm chủ tịch Hội đồng nhân dân thì hai cán bộ Đảng chóp bu ở địa phương cũng là hai người nắm cơ quan hành pháp và lập pháp.
“Thực ra bí thư làm chủ tịch Hội đồng nhân dân làm giám sát tốt hơn là phó bí thư, cũng là một trong những cơ chế kiểm soát quyền lực,” bà Mai được tờ Thanh niên dẫn lời nói.
Cho nghỉ 5% cán bộ
Cũng theo lời bà Mai tại hội nghị này thì Bộ Chính trị đã quyết định từ nay cho đến năm 2026 sẽ cho về vườn 5% số cán bộ tại chức để làm tinh gọn bộ máy, giảm chi tiêu ngân sách cho tiền lương.
“Mình quy định từ nhiệm kỳ trước nhưng chưa làm được, lần này quyết tâm làm,” bà Mai nói và cho biết vấn đề này Bộ Chính trị đã họp, đã quyết định và sẽ sớm có thông báo chính thức.
Trước khi có quyết định giảm thêm biên chế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cắt giảm 10% nhân sự hồi năm 2021. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là thủ tướng đã từng nói ‘có những cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp về’ mà bộ máy vẫn phải nai lưng ra trả lương.
Bà Mai nói việc giảm biên chế này sẽ ‘chỉ giao chỉ tiêu, còn việc cắt giảm thế nào, cắt giảm ai thì các cơ quan chủ quản toàn quyền quyết định’ và ‘chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị’.
Trong bối cảnh nhiệm kỳ khóa 13 của Đảng vừa mới đi được hơn một năm, bà Mai cho biết Ban Tổ chức đặt mục tiêu hoàn thành chuẩn bị nhân sự cho khóa 14, tức giai đoạn 2026 – 2031, trong năm 2022.
Lần này sẽ quy hoạch hai nhóm cán bộ, một nhóm là vào thẳng Trung ương Đảng và tiếp nhận các vị trí lãnh đạo, nhóm thứ hai là cán bộ trẻ, làm nguồn thay thế thì vào dự khuyết Trung ương Đảng, cũng theo lời bà Mai nói tại hội nghị.
Ngoài ra, thay vì quy hoạch nhiều người cho một vị trí thì nay giảm xuống để giảm bớt trường hợp cán bộ được quy hoạch nhưng cuối cùng không được đề bạt.
“Trước đây 4 người cho một vị trí thì đông quá. Giới thiệu 100 ông thì 30 ông vào vị trí, thì 70 ông ngồi lại thì tâm tư. Được quy hoạch mà chẳng được làm gì hết thì ổng chán đi. Mình phải hẹp lại. Quy hoạch 60 ông thì phải được 30 ông. Sự hy vọng, động lực nó khác đi,” bà Mai được Thanh niên dẫn lời nói.