Việt Nam ký hiệp định TPP-11 tại Chile: nhiều triển vọng, lắm thách thức

Your browser doesn’t support HTML5

Hôm 8/3 tại thủ đô Santiago của Chile, Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, còn gọi là TPP-11), kỳ vọng đạt nhiều thành công trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế, nhưng không ít thách thức.

Tiến sĩ kinh tế Võ Trí Thành nhận định rằng sự kiện này có ý nghĩa lớn và Việt Nam không thể đi ngược lại tiến trình này:

“Việc ký kết hiệp định CPTTP này cho thấy tiến hành hội nhập liên kết khu vực tự do thương mại, đầu tư, dù khó khăn nhưng vẫn tiến triển. Đó là một xu hướng khó có thể đảo ngược được.”

Việc ký kết hiệp định CPTTP này cho thấy tiến hành hội nhập liên kết khu vực tự do thương mại, đầu tư, dù khó khăn nhưng vẫn tiến triển. Đó là một xu hướng khó có thể đảo ngược được.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Hôm nay 8/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết CPTPP được 11 nước ký kết tại thủ đô Santiago của Chile.

Báo Nikkei cho biết CPTPP đã tiến triển một cách ngạc nhiên nhờ những nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ của Nhật, mà trước đó tưởng chừng như sắp sụp đổ sau khi Hoa Kỳ rút lui.

Hiệp định TPP trước đó từng được kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu quần áo, giày dép, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Mexico, Canada và các đối tác khác của TPP. Vì vậy, động thái rút Mỹ khỏi TPP của Tổng thống Trump đầu năm 2017 không phải là một tin tốt lành cho Việt Nam.

Your browser doesn’t support HTML5

Canada: TPP 11 vẫn ‘khó nuốt’

Truyền thông Việt Nam nói việc các nước ký thỏa thuận ở Chile là dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ vươn lên, thay thế Mỹ, trở thành người lãnh đạo của thương mại tự do toàn cầu.

Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v. mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.

Các thành viên của CPTPP tạo nên thị trường khoảng 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa GDP đạt 12,4 nghìn tỷ đôla, chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, so với một hiệp định TPP với sự tham gia của Mỹ, mức GDP này chưa bằng một nửa.

Báo chí trong nước nói CPTPP sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị- đối ngoại, kinh tế. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu tăng thêm 4%. Theo hiệp định này, 100 % dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, nhưng riêng với Việt Nam được dành lộ trình 7 đến 10 năm.

Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định hiệp định CPTPP có tác động rất tích cực cho Việt Nam và các nước thành viên thông qua các các hoạt thương mại và đầu tư:

“CPTPP vẫn giữ được tính chất là một hiệp định chất lượng cao, tính đến nhiều vấn đề liên quan đến nhiều chính sách, điều tiết sau đường biên giới, dù không đầy đủ các xu hướng mới của thương mại và đầu tư. Hiệp định này sẽ có tác động tích cực đối với kinh tế thông qua các tác động có ý nghĩa đối với thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên.”

Lãnh đạo Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Nhật

Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, dù Việt Nam có lợi thế từ Hiệp định CPTPP, nhưng đây là hiệp định mang tính mở nên các quốc gia tham gia sau phải trải qua một quá trình. Việt Nam rất cần việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong, vì đây là thời điểm rất cần cho yêu cầu tự thân của Việt Nam. Ngoài ra, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập là điều cực kỳ quan trọng, là ưu tiên số một.

Việt Nam rất cần việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong, vì đây là thời điểm rất cần cho yêu cầu tự thân của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Việt Nam nhận định các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương của Việt Nam được ưu ái; các mặt hàng khác như dệt may, giày dép của Việt Nam được hưởng lợi. Nhưng các hàng nông nghiệp và chăn nuôi như thì gặp thách thức.

Bản hiệp định TPP ban đầu được thống nhất vào tháng 10/2015 với 12 thành viên. Tuy nhiên, khi Mỹ bỏ rơi TPP, hiệp định này mất đi sự cân bằng dựa trên các nhượng bộ lẫn nhau của các thành viên. 11 quốc gia còn lại, không sẵn sàng ký kết trong bối cảnh tính chất hiệp định thay đổi do Mỹ rút lui, đã phải tái xây dựng lại hiệp định.

Báo Nikkei trích lời doanh nhân Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương, được mệnh danh là "ông vua cá da trơn" của Việt Nam sau khi mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường thế giới cho cá tra và cá ba sa. Khi nhu cầu của thế giới về hải sản tăng trưởng đều đặn trong những năm qua, công ty Hùng Vương của ông Minh vươn lên trở thành nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam.

Khi Tổng thống Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng và rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, ông Minh đã phải điều chỉnh lại chiến lược hoạt động của công ty Hùng Vương.

"Ông vua cá da trơn" cho biết chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump gây ra thách thức lớn cho hoạt động của Hùng Vương.

Tuy nhiên ông Minh cho biết CPTPP dù vắng mặt Mỹ, vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thực phẩm của ông.Với việc hiệp định CPTPP được ký kết, ông Minh kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng thêm tối thiểu 30%.

Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất của CPTPP không nằm ở các thỏa thuận chi tiết mà nằm ở thực tế các nước thành viên đã đạt được thống nhất mà không cần tới sự tham gia của Mỹ, thành viên lãnh đạo thương mại thế giới trong hàng thập kỷ qua.

Biểu tình phản đối TPP tại Chile.

Tiến sĩ Võ Trí Thành nói việc Mỹ rút khỏi TPP là một điều đáng tiếc:

“Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP là một điều đáng buồn bởi vì Hoa Kỳ có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế của khu vực và toàn cầu, cũng như các liên kết, hội nhập của thế giới, trong đó có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”

Trong bối cảnh 11 quốc gia ký kết hiệp định thương mại tự do đáng chú ý nhất trong 25 năm qua, ông Trump đang làm rung chuyển thị trường thế giới và cảnh báo cả các đồng minh của Mỹ về mức thuế khắc nghiệt nhắm vào thép và nhôm.

Bà Deborah Elms, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore, cho biết: "Những gì đang diễn ra cho thấy thế giới chúng ta đang sống bất định như thế nào. Mỹ, nước từng là ngọn cờ đầu của TPP, bỏ rơi hiệp định và đi theo một hướng hoàn toàn trái ngược." Ngoài ra, bà Elms còn đánh giá rằng Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo thương mại tại châu Á.