Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: 54 người bị truy tố, khung hình phạt cao nhất là tử hình

Nhân viên y tế phun khử khuẩn các công dân Việt Nam được đưa về nước trên chuyến bay từ Guinea Xích Đạo trong thời gian đại dịch COVID-19 hôm 29/7/2020. Hàng chục quan chức nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng khi tổ chức các chuyến bay "giải cứu" này sẽ bị đưa ra xét xử ở Hà Nội

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam hôm 18/4 truy tố 54 người, gồm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, trong vụ án đưa và nhận hối lộ khi tổ chức các chuyến bay hồi hương người Việt Nam từ nước ngoài giữa đại dịch COVID-19, theo đề nghị của Bộ Công an đưa ra trước đây.

Truyền thông trong nước cho biết Viện Kiểm sát (VKS) truy tố các bị can, trong đó hầu hết là những quan chức trong các cơ quan Chính phủ Việt Nam, về 5 tội danh, bao gồm đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Họ sẽ bị xét xử tại Tòa án Nhân dân Hà Nội nhưng VKS không cho biết thời gian là khi nào.

Quyết định của VKS được đưa ra hai tuần sau khi Bộ Công an đề nghị truy tố 54 bị can sau khi cơ quan điều tra của bộ này kết luận rằng hàng chục quan chức chính phủ trong vụ án đã nhận hối lộ tổng số tiền lên đến hơn 180 tỷ đồng.

Theo Báo Chính phủ, cáo trạng của VKS đưa ra cùng quyết định truy tố hôm 18/4 cho biết rằng tổng cộng có 21 bị can nhận hối lộ gần 180 tỷ đồng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước khi đại dịch bùng phát để trục lợi. Trong số đó, 18 người bị VKS truy tố tội danh này với khung hình phạt tù từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình.

Còn theo cáo trạng được VnExpress trích dẫn, 25 người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng và gây thiệt hại 10 tỷ đồng.

Ông Dũng, với cương vị thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Cục Lãnh sự, bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng sau hàng chục lần nhận tiền của các doanh nghiệp muốn tổ chức các chuyến bay hồi hương, còn được gọi là “giải cứu” công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài trong lúc không có các chuyến bay thương mại được phép vào Việt Nam vì đại dịch.

Ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, bị cho là nhận số tiền hối lộ nhiều nhất, hơn 42,6 tỷ đồng, trong vụ án này.

Trong khi đó, vẫn theo cáo trạng, 23 người là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 266 tỷ đồng, 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.

Ngoài hành vi đưa, nhận hối lộ để thực hiện các chuyến bay “giải cứu”, VKS còn xác định rằng có nhóm bị can đã móc ngoặc để chạy án cho doanh nghiệp, theo VnExpress. Cáo trạng nói rằng cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, từng là phó giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) để chạy án cho hai lãnh đạo của Công ty Bầu Trời xanh, từng tham gia thực hiện tổ chức đưa người Việt hồi hương giữa đại dịch.

Nhà chức trách Việt Nam dưới sự phối hợp của 5 bộ – gồm Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải và Quốc phòng – tổ chức khoảng 1.000 chuyến bay đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước trong khoảng thời gian từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021.

Để có chi phí “bôi trơn” khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, “vẽ” thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước trong thời gian đại dịch, theo VnExpress.

Trong số các thủ tục khi về nước thời điểm đó, công dân phải trả chi phí ăn ở tại các khu cách ly do nhà nước quy định, bao gồm cả các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đắt tiền.

Viện Kiểm sát nói rằng đây là “vụ án đặc biệt nghiêm trọng” xảy ra giữa lúc đại dịch COVID đang căng thẳng. Cáo trạng cho rằng các bị can đã “lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút”. VKS còn nói các hành vi này đã “tạo điều kiện cho thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong nhân dân”.