Vụ chuyến bay ‘giải cứu’: Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn bị Bộ Chính trị phê bình ‘nghiêm khắc’

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva, Thuỵ Sỹ, hôm 2/3. Ông Sơn bị Bộ Chính trị phê bình vì liên quan vụ án các chuyến bay "giải cứu". (Photo media.un.org)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bị Bộ Chính trị Việt Nam phê bình “nghiêm khắc” hôm 27/12 vì “thiếu trách nhiệm” trong vụ tham nhũng liên quan đến nhiều bộ ngành, trong đó các quan chức nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng khi thực hiện các chuyến bay hồi hương người Việt giữa đại dịch.

Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, ông Sơn, người giữ chức bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 4/2021, và Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao cùng những cá nhân khác bị đưa ra “xem xét, thi hành kỷ luật”, theo truyền thông trong nước.

Từ tháng 1 năm nay, Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam những cá nhân đầu tiên liên quan đến vụ đưa, nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, còn được gọi là “giải cứu”, nhằm trục lợi cá nhân khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát.

Cho đến nay, gần 40 người đã bị khởi tố hoặc bị bắt tạm giam. Những cán bộ bị tạm giam và khởi tố liên quan đến vụ bê bối này từ các bộ ngành, bao gồm Công an, Ngoại giao, Y tế, Giao thông Vận tải và cả Văn phòng Chính phủ. Quan chức cấp cao nhất bị bắt cho đến lúc này là Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Trong cuộc họp hôm 27/12, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016-2021 “đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” và “buông lỏng lãnh đạo” để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên “vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch COVID-19”, theo VnExpress.

Bộ Chính trị cho rằng ông Sơn, cũng là một uỷ viên Trung ương Đảng và Bí thư Ban cán sự đảng của Bộ Ngoại giao, “cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ ngoại giao nhiệm kỳ 2016-2021”. Do đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao bị Bộ Chính trị “phê bình nghiêm khắc” và yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các vi phạm đã được chỉ ra” và sau đó “báo cáo Bộ Chính trị”.

Việc phê bình của Bộ Chính trị đối với ông Sơn xảy ra một tuần sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cơ quan có quyền hành cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật người đứng đầu Bộ Ngoại giao do trách nhiệm trong hàng loạt các vi phạm liên quan đến vụ các chuyến bay ‘giải cứu’.

Đảng Cộng sản Việt Nam có 4 hình thức kỷ luật đối với đảng viên, gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Chính phủ Việt Nam có cấu trúc trừng phạt 4 cấp tương tự, với cấp cuối cùng là sa thải.

Ông Sơn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm thứ trưởng Ngoại giao lần đầu tiên vào tháng 11/2009 và được tái bổ nhiệm vào chức vụ này sau khi được chuyển sang Uỷ ban quốc gia về Thanh thiếu niên. Lần thứ 3 ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Ngoại giao vào năm 2020 và hơn 1 năm sau đó, ông được bầu làm người đứng đầu Bộ này theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tháng 10 khẳng định rằng “không có bao che hay vùng cấm” trong việc xử lý những cán bộ và viên chức vi phạm trong vụ đưa công dân từ nước ngoài về Việt Nam trong thời gian đại dịch.

Bộ Chính trị hôm 27/12 cho rằng Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã “làm sai lệch chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước” cũng như “tạo tiếng xấu trong dư luận” và “làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và ngành Ngoại giao”, theo Thanh Niên.

Ngoài ra, Bộ Chính trị còn khai trừ khỏi đảng cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, người bị cho là đã nhận hối lộ trong quá trình thực hiện các chuyến bay ‘giải cứu’. Ông Nam bị bắt tạm giam trước đó 5 ngày cùng với Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng vì những sai phạm liên quan đến vụ bê bối, theo Tuổi Trẻ.

Nhiều đại sứ và nhân viên sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có Đại sứ Phạm Sanh Châu tại Ấn Độ và Đại sứ Trần Việt Thái ở Malaysia, đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khai trừ khỏi đảng và cách chức tất cả các chức vụ trong đảng.

Bộ Công an nói rằng có gần 2.000 chuyến bay ‘giải cứu’ được thực hiện trong thời gian đại dịch. Để lên được các chuyến bay đó và thực hiện cách ly khi về đến Việt Nam, các công dân Việt Nam được cho là đã phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần cho vé máy bay và chi phí ăn ở tại các khách sạn, resort so với trước đại dịch. Người phát ngôn Bộ Công an cho rằng các bị can đã chia chác số tiền ước tính lên đến hàng nghìn tỉ đồng trong vụ bê bối này.