Trung Quốc muốn hòa hoãn thật sự với Úc?

Vương Nghị cho rằng Trung Quốc không muốn thấy mối quan hệ với Úc xấu đi và muốn mối quan hệ trở lại đúng hướng càng sớm càng tốt. Có thật Trung Quốc muốn vậy không?

Quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ, và với Úc, có lẽ là thấp nhất, từ khi Trung Quốc nối lại mối bang giao với hai nước này vào đầu thập niên 1970s.

Căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc đã lên đến gần tột đỉnh vào giữa tháng 12 năm vừa qua, khi Trung Quốc liên tục cấm nhập cảng các mặt hàng của Úc, và Úc vì thế quyết định kiện Trung Quốc với WTO. Vài ngày sau, Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) ra vẻ hạ giọng như muốn hòa hoãn trong bài nói chuyện do Asia Society tổ chức, ông Kevin Rudd giới thiệu và điều hợp, vào ngày 18 tháng 12. Vương Nghị cho rằng Trung Quốc không muốn thấy mối quan hệ với Úc xấu đi và muốn mối quan hệ trở lại đúng hướng càng sớm càng tốt.

Có thật Trung Quốc muốn vậy không? Và không có điều kiện ràng buộc nào?

Trước hết, không chỉ mối quan hệ giữa Trung Quốc với Úc tồi tệ hơn, mà còn với Mỹ và bao quốc gia khác. Cuối năm 2019, khảo sát của cơ quan PEW về quan điểm của người dân trên thế giới đối với Trung Quốc cho thấy cái nhìn khá tiêu cực, đặc biệt tại các nước có GDP cao nhất như Mỹ, Hòa Lan, Thụy Điển và Đức. Năm 2020, vụ việc ém nhẹm Covid-19 để nó lây lan toàn thế giới và qua đó thay đổi toàn diện lối sống con người toàn cầu đã làm cho cái nhìn tiêu cực càng gia tăng. Trong 14 quốc gia mà PEW khảo sát năm 2020 thì trung bình 61% phản hồi cho rằng Trung Quốc đã quản lý Covid-19 rất tồi tệ. Ba phần tư người dân trong 14 quốc gia này có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc.

Năm 2020, Trung Quốc đã gia tăng thái độ hống hách của mình, kể cả việc bắt bớ giam cầm các công dân và ký giả ngoại quốc trong những tháng qua, trong đó có các ký giả của Úc.

Vào giữa tháng 11 năm 2020, tài liệu gồm 14 tranh chấp được tòa đại sứ Trung Quốc tiết lộ cho một số cơ quan truyền thông Úc như The Age, The Sydney Morning Herald và Nine News. Nó được tiết lộ kiểu này nhằm để gia tăng áp lực lên chính quyền Morrsion hiện nay.

Danh sách 14 tranh chấp bao gồm: Chính phủ Úc tài trợ cho cơ nghiên cứu "chống Trung Quốc" tại Viện Chính sách Chiến lược Úc/ASPI; các cuộc truy quét các nhà báo Trung Quốc và hủy visa bên ngành học thuật; "mở đầu một cuộc thập tự chinh" tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề của Trung Quốc ở Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương; kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19; cấm Huawei tham gia mạng 5G vào năm 2018; chặn 10 thương vụ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chăn nuôi; các bộ luật về can thiệp nước ngoài tấn công Trung Quốc mà không dựa trên dữ kiện; Úc là quốc gia không liên quan đến Biển Đông nhưng đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc; đổ lỗi cho Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng không bằng chứng; tấn công vào đảng cầm quyền (ĐCSTQ); các báo cáo không thân thiện và hiềm khích trên truyền thông, gây độc hại cho quan hệ giữa hai quốc gia.

Điều đáng nói trong 14 tranh chấp này là sự chỉ trích của Trung Quốc đối với Úc truyền thông Úc, một địa hạt mà chính quyền Úc không thể kiểm soát, chính họ còn bị phê bình chỉ trích. Đây là quyền tự do ngôn luận, nhưng điều này Trung Quốc không hiểu và không chấp nhận, dù có biết.

Ngoài ra, việc Úc ký kết hiệp ước quốc phòng với Nhật vào giữa tháng 11 cũng đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ, vì họ xem đây là mối đe dọa bởi vì hiệp ước này mở đường cho hai quốc gia tiến hành nhiều cuộc tập trận chung trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Toàn cầu Thời báo đi bài quan điểm: “Thỏa thuận này rõ ràng nhắm vào Trung Quốc và lặp lại Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Thỏa thuận này càng làm tăng thêm bầu không khí đối đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ảnh hưởng tiêu cực đến hiểu biết của mỗi nước về tình hình khu vực".

Sau khi tiết lộ danh sách này, các quan chức chính quyền Úc tìm cách liên lạc với Bắc Kinh, nhưng họ vẫn tỏ vẻ hống hách đến độ không thèm trả lời gì cả. Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham biện luận rằng kết quả tùy thuộc vào thái độ của Trung Quốc thôi, nếu họ chịu ngồi xuống và có cuộc đàm luận nghiêm chỉnh. Thủ tướng Morrison khẳng định, sau khi biết tin về 14 tranh chấp được tiết lộ này, rằng ông sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh. Nhưng không lâu sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tung tin/hình giả về quân đội Úc tại Afghanistan, kèm theo đó là hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Vì thế nên lập luận của ông Vương Nghị rằng Trung Quốc muốn nối lại mối quan hệ ngoại giao đúng hướng xưa kia thật ra chỉ là lời nói, chưa phải hành động. Ông Rudd đặt câu hỏi với ông Vương, “Liệu có vai trò nào đối với bất kỳ chính sách ngoại giao không chính thức nào trong thời gian này để chúng ta có thể khiến cả hai bên bỏ qua các tiếng ồn lớn và trở lại ngoại giao bình thường không?” Ông Vương trả lời cái đó tùy Úc nhìn Trung Quốc như mối đe dọa hay một đối tác: “Nếu Úc coi Trung Quốc là một mối đe dọa, thì việc cải thiện mối quan hệ này sẽ rất khó khăn.”

Ngoại trưởng Úc Marise Payne khẳng định rằng Úc sẽ không bao giờ buôn bán quyền lợi quốc gia.

Trong khi đó, giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu trường dạy về an ninh quốc gia của đại học ANU, cho biết lời bình của ông Vương không nên được xem như là một dấu hiệu gì tích cực. Theo Medcalf, ở cái nhìn tích cực nhất, thì các lời này nhẹ nhàng và có điều kiện. Nhưng sẽ là tốt hơn nếu có thể nhận được một số gợi ý rằng Trung Quốc cũng muốn có một mối quan hệ ổn định. Vấn đề là lời nói của ông Vượng vẫn đặt tất cả trách nhiệm lên Úc. Họ không chịu trách nhiệm nào về mối quan hệ trở nên tồi tệ trong thời gian qua. Họ cũng không ghi nhận gì về những biện pháp cưỡng ép Úc, từ ngăn chặn kinh tế đến ngoại giao cưỡng bách, đối với Úc và Canada. Sau cùng, tất cả dường như phụ thuộc vào cách Bắc Kinh chọn định nghĩa cách Úc đối xử và nhìn nhận Trung Quốc ra sao. Như thế thì đó không phải là điểm khởi đầu lành mạnh cho mối quan hệ thực tiễn và có lợi cho đôi bên.

Giáo sư Peter Jennings thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc/ASPI đồng ý với giáo sư Medcalf. Ông Jennings cho rằng ông Vương tránh những đại ý vấn đề và cứ đổ lỗi cho Úc. Jennings đưa ra dẫn chứng hùng hồn rằng “Úc không phát minh ra việc Trung Quốc thôn tính Biển Đông bằng quân sự, chúng tôi cũng không phát minh ra toàn bộ hoạt động gián điệp tình báo mạng và tình báo bằng người của Trung Quốc, hay sự lớn mạnh của một quân đội Trung Quốc quyết đoán, hay sự vi phạm nhân quyền hàng loạt của các nhóm thiểu số ở Trung Quốc.”

Giới tinh hoa của Úc, như Medcalf và Jennings, đứng đầu hai cơ quan nghiên cứu quan trọng của Úc, đã nhìn mối quan hệ giữa Úc với Trung Quốc hiện nay rất rõ. Chính họ đóng vai trò hướng dẫn dư luận thật hiệu quả để người dân Úc không bị lờ mờ hay bối rối trong việc hiểu hay chọn thái độ nào thích hợp nhất trước hiểm họa Trung Quốc hiện nay.