Vụ ngư dân Việt kêu cứu ở Indonesia: Đại sứ quán Việt Nam ‘thăm lãnh sự trực tuyến’

Các ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ gần vùng biển Natuna vào tháng 12/2014.

Liên quan đến vụ nhiều ngư dân Việt Nam kêu cứu trong lúc bị giam giữ ở Indonesia vì cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong hải phận của nước này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia vừa có buổi làm việc với lãnh đạo trại giam và thăm trực tuyến các ngư dân đang bị giam giữ ở Tanjungpinang, TTXVN cho hay hôm 18/12.

Trước đó, Đài Á Châu Tự Do đăng video kêu cứu từ một thuyền viên Việt Nam đang bị giam giữ ở trại Tanjung Pinang, thuộc quần đảo Riau phía Đông Indonesia, cùng với gần 200 thuyền viên khác, xin giúp đỡ để được trở về xum họp với gia đình. Nguồn tin này cho rằng Đại sứ quán Việt Nam “dường như không quan tâm đến sự tồn tại của các anh”, mặc dù theo luật, các thuyền viên này không phải ra toà mà chỉ chờ ngày về.

Ngoài ra, ngư dân Việt Nam cũng tố cáo tình trạng bị “ăn cơm thiu, cơm sống” trong trại giam ở Indonesia.

TTXVN cho hay trong buổi làm việc ngày 16/12, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã cảm ơn lãnh đạo và cán bộ trại giam Indonesia, đồng thời đề nghị “tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho các ngư dân”. Phía Indonesia cam kết cải thiện điều kiện ăn ở cho ngư dân trong khả năng của trại và phù hợp với quy định của nước này.

Cũng trong buổi thăm lãnh sự trực tuyến này, Đại sứ Việt Nam đã thông báo cho các ngư dân về tình trạng chưa thể nối lại các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Indonesia nên việc đưa họ về nước phải tuân theo các đợt mà chính phủ Việt Nam phê duyệt.

Thời gian qua, Indonesia tăng cường ngăn chặn các tàu nước ngoài đánh bắt trong lãnh thổ của mình, vì cho rằng tình trạng này gây thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế.

Hàng trăm ngư dân Việt Nam đã bị bắt với cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong các khu vực biển tranh chấp mà phía Indonesia tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 8, Indonesia bắt giữ 3 tàu cá và 26 thuyền viên Việt Nam trong khu vực mà Việt Nam nói là “phía Indonesia bắt giữ trái phép, dẫn ra khỏi vùng biển Việt Nam”, theo văn bản của Hội Nghề cá gửi chính phủ Việt Nam.

Việt Nam và Indonesia trong nhiều năm qua nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán về phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trong suốt 4 năm qua không mang lại kết quả gì.

Kể từ khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhậm chức vào năm 2014, hàng trăm tàu cá nước ngoài đã bị đánh đắm và hơn một nửa trong số đó là của ngư dân Việt Nam, theo AFP.