Diễn đàn Kinh tế Thế giới kêu gọi châu Á dẫn đầu công tác giảm nghèo

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Indonesia Bambang Yudhoyono tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Các tham dự viên tại một cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Indonesia kêu gọi các chính phủ ở châu Á dẫn đầu thế giới trong công tác giảm nghèo. Họ nói điều này sẽ đòi hỏi phải tăng thuế và chi nhiều hơn cho các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cơ bản, chăm sóc y tế và giáo dục. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Brian Padden ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trong năm 2000, 192 quốc gia đã đồng ý ủng hộ Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc để xóa sạch tình trạng nghèo khó cùng cực và giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tử vong nơi trẻ em trước năm 2015.

Trong những năm sau đó, nhiều nước Á châu đã kinh qua tỷ lệ tăng trưởng hai con số bền vững đã nâng cao mức sinh hoạt của hàng triệu người.

Nhưng ông Rajat Nag, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Á Châu, đã cùng với một ủy ban gồm các kinh tế gia và các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Jakarta nói rằng các chính phủ phải hành động thêm để đạt các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đó.

Ông Nag nói bất kể tỷ lệ tăng trưởng mạnh, 900 triệu người vẫn sống với thu nhập 1 đôla 25 xu một ngày, 450 triệu người không có nước sạch để sử dụng, và hơn 100 triệu trẻ em vẫn chết mỗi năm khi mới sinh ra.

Ông nói các chính phủ ở châu Á phải có thêm hành động để tài trợ cho các chương trình dinh dưỡng, cung cấp chăm sóc y tế và giáo dục. Ông Nag nói chi trả cho các chương trình này sẽ có nghĩa là phải tăng thuế một cách đáng kể.

Ông Nag nói: “Tại châu Á, thuế trung bình thâu được tính theo tỷ lệ GDP có phần chắc chưa đây 10%. Tại các nước đã phát triển, tỷ lệ đó là 20%. Vì thế cần phải huy động một nguồn lực công cộng lớn. Không phải chỉ bằng cách tăng mức thuế, mà còn phải tăng thuế cơ bản, và cải tiến cách thu thuế.”

Phó tổng thống Indonesia Boedino nói rằng trong khi tiến bộ đáng kể trong việc giảm nghèo đã đạt được trong nước ông, ông đồng ý rằng cần phải có thêm các chương trình và tăng thu nhập thuế để giải quyết vấn đề.

Ông Boedino nói: “Tôi thuộc trường phái cho rằng chính phủ phải đóng một vai trò thích hợp và ngay cả và nhất là trong chương trình xã hội, phải can thiệp một cách tích cực. Và điều này đòi hỏi phải có ngân sách, và tôi nghĩ rằng ngân sách đó phải phát xuất từ các nguồn lực của chính chúng tôi.”

Kinh tế gia Mỹ và là Giám đốc Học viện Trái đất tại trường Đại học Columbia, ông Jeffrey Sachs nói rằng các nước châu Á đang trải qua tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vững mạnh phải gánh vác trách nhiệm giảm nghèo với một sự phối hợp giữa các chương trình công cộng và tư nhân. Ông nói sự phục hồi kinh tế chậm chạp tại các nước đã phát triển khiến châu Âu đang hướng nội và Hoa Kỳ đang hết sức chú trọng vào việc cắt giảm thuế.

Ông Sachs cho biết: “Quốc gia Hoa Kỳ của chính tôi muốn không phải chi đồng nào. Chúng tôi đang ở trong một tình trạng triền miên đòi cắt thuế liên tục. Người giầu không muốn đóng thuế. Họ nói hãy để cho thị trường vận hành nhưng rút cục chúng tôi không có chính sách xã hội. Chúng tôi có rất nhiều người nghèo. Và rút cục chúng tôi không có cả chính sách về môi trường.”

Trong khi mức thuế lợi tức của Hoa Kỳ vẫn còn cao hơn so với các nước ở châu Á, nhưng vẫn còn thấp hơn so với các nước Âu Châu. Những người chống đối tăng thuế nói rằng thuế cao cản trở tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp tư nhân, là yếu tố góp phần nhiều hơn vào việc nâng dân chúng ra khỏi tình trạng nghèo khó.

Ông Sachs nói tăng trưởng kinh tế sinh động ở châu Á trong những năm vừa qua cũng đem lại thêm trách nhiệm phải đáp ứng với cam kết của châu lục này đối với việc xóa bỏ tình trạng nghèo khó cùng cực trong 4 năm sắp tới.