Xì căng đan cản nỗ lực của Thủ Tướng Abe xét lại Hiến pháp chủ hòa Nhật 

Mức ủng hộ dành cho Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang giảm sút

Mức ủng hộ dành cho Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang giảm sút, và sự thất bại của đảng của ông trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo mới đây, đã tác động tới mục tiêu bấy lâu của ông, là tái xét hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, cho dù ông vẫn nắm trọn quyền hành trong tay, tại thời điểm này.

Nhà phân tích an ninh khu vực Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo nói:

“Tôi không biết liệu nỗ lực này đã chết chưa nhưng ít ra rất khó để xảy ra so với cách đây vài tuần lễ.”

Xì căng đan

Cho tới hồi gần đây, ông Shinzo Abe, người lên nắm quyền từ năm 2012, vẫn được ủng hộ rộng rãi, phần lớn nhờ những biện pháp cải cách kinh tế có lợi cho kinh doanh của ông để vực dậy một nền kinh tế trì chậm từ lâu.

Đảng Dân chủ Tự do (LPV) theo trường phái bảo thủ của ông và liên minh cầm quyền cũng nắm thế đa số tại lưỡng viện quốc hội Nhật Bản, người Nhật gọi là Diet.

Nhưng mức ủng hộ rộng rãi dành cho nhà lãnh đạo Nhật Bản mới đây đã sụt giảm xuống còn 36% trong một cuộc thăm dò toàn quốc vì những cáo buộc rằng ông đã giúp một người bạn được quyền sử dụng đất miễn phí cùng với giấy phép để thành lập một trường thú y, và tin tức theo đó vợ ông đã bí mật đóng góp tài chính cho một trường mầm non có tinh thần dân tộc cực đoan bị tố cáo là cổ vũ cho nạn kỳ thị chống người Trung Quốc và Triều Tiên.

Thủ Tướng Abe bác bỏ những lời tố cáo đó, nhưng nhận thức về nạn bè đảng và tham nhũng đã làm tổn thương nghiêm trọng uy tín của ông trước con mắt công chúng.

Koichi Nakano, Giáo sư môn Khoa học Chính trị của Đại học Sophia ở Tokyo nói:

“Lý do số 1 tại sao ông Abe không được ủng hộ nữa là bởi vì người ta thấy ông không đáng tin cậy.”

Trưng cầu dân ý về hiến pháp

Công chúng Nhật Bản vẫn chia rẽ về đề nghị của ông Abe muốn sửa đổi Điều 9 trong hiến pháp hậu Thế chiến thứ Hai, cấm Nhật Bản tham gia chiến tranh để giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế có liên quan tới nhà nước.

Phe bảo thủ muốn nới lỏng những hạn chế đối với quân đội để chống trả những mối đe dọa tiềm tàng từ các nước như Trung Quốc và Bắc Hàn, là những nước đang tăng cường các khả năng quân sự và hạt nhân của họ.

Hoa Kỳ ủng hộ Nhật đóng một vai trò nổi bật hơn để duy trì an ninh khu vực.

Những người ủng hộ hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản thì lập luận rằng hủy bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ lực quân sự sẽ khiến Nhật Bản vướng mắc vào các cuộc xung đột quốc tế, mà phần lớn là để hậu thuẫn đồng minh Hoa Kỳ.

Trung Quốc và các nước khác ở Châu Á từng chịu đựng nhiều gian khổ khi bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế Chiến thứ Hai, cũng phản đối bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản.

Đề xuất của ông Abe là một thỏa hiệp để duy trì Điều 9 Hiến pháp, từ bỏ quyền phát động chiến tranh, nhưng sẽ ghi thêm một điều khoản nhằm hợp pháp hóa Lực lượng Tự vệ Nhật Bản.

Một số nhà phân tích quân sự nói rằng những thay đổi hiến pháp do ông Abe đề xuất chỉ là những thay đổi nhỏ, họ cũng kêu gọi tăng chi tiêu quân sự một cách đáng kể để Nhật Bản có thể đối phó với các mối đe dọa đang ngày càng tăng trong khu vực.

Vào tháng 5, ông Abe nói ông muốn thông qua một tu chính án để sửa đổi Điều 9 trong hiến pháp trước năm 2020.

Liên minh cầm quyền của ông có thể đoạt 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết để thông qua đề nghị sửa đổi hiến pháp. Nhưng muốn đổi hiến pháp cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc, với đa số phiếu ủng hộ biện pháp này, điều mà giờ khó có thể trở thành hiện thực, xét tỷ lệ ủng hộ Thủ Tướng Abe đang sút giảm theo các cuộc thăm dò công chúng.

Ông Newsham nói:

"Theo tôi, cơ may thành công của ông Abe tại thời điểm hiện không mấy tốt. Và ông sẽ phung phí một số vốn chính trị, nếu ông muốn xem đó như mục tiêu hàng đầu của ông. Tôi nghĩ đó sẽ là một sai lầm."

Đối thủ chính trị

Sau chiến thắng của đảng Tomin First No Kai (còn gọi là Tokyoites First) của Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, đánh bại đảng LDP của ông Abe trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố hồi tháng 7, bà Koike được nhiều người xem như một đối thủ đang nổi lên trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2018.

Đảng của Thống đốc Koike giành được 79 trong tất cả 127 ghế tại hội đồng địa phương, giảm số ghế của đảng LDP từ 57 xuống còn 23 ghế.

Thống đốc Koike là một cựu Bộ trưởng Quốc phòng của đảng LDP, bà ủng hộ các chính sách bảo thủ về an ninh quốc gia và kinh tế.

Đảng Dân chủ đối lập theo đường lối tự do đã nắm giữ quyền lực từ năm 2009 đến năm 2012, nhưng đã không đạt được bất kỳ thành tựu chính trị quan trọng nào – bất chấp những vụ tai tiếng mà ông Abe bị cáo buộc, và lập trường gây tranh cãi của ông Abe ủng hộ một lực lượng quân sự chủ động và ủng hộ năng lượng hạt nhân sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima hồi năm 2011.

Ông Rudd Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á Đương đại tại Đại học Temple, Tokyo nói: "Phe đối lập gần như đã chết, vì vậy đối với các mục đích thực tế, chẳng có gì khác.

Mãi cho đến gần đây, ông Abe được dự đoán sẽ thắng cử để có thêm một nhiệm kỳ ba năm thứ ba, để lãnh đạo đảng LDP và tiếp tục giữ chức thủ tướng, nhưng khả năng đó không còn chắc chắn.

Các nhà phân tích cho rằng trong tình hình chính đảng của ông vẫn chiếm đa số lớn tại Quốc hội cho tới cuộc bầu cử năm 2018, vị trí của Thủ Tướng Abe không gặp nguy cơ trong tức thòi, mặc dù chính phủ của ông có thể gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh chương trình nghị sự bảo thủ của ông.