Ít chứng cứ liên hệ đến Antifa trong hồ sơ truy tố các phần tử bạo loạn

Một phụ nữ cầm một biểu ngữ đề cập đến antifa tại một cuộc biểu tình ở Los Angeles ngày 1/6/2020 về cái chết của ông George Floyd ngày 25/5 tại Minneapolis.

Bộ Tư pháp Mỹ xúc tiến nhanh chóng vụ truy tố liên bang 35 người bị cáo buộc bạo động trong những cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ kêu gọi chấm dứt nạn bạo hành của cảnh sát.

Bộ truởng Tư pháp William Barr hứa sẽ truy lùng những thành viên của phong trào chống phát xít được biết dưới tên gọi Antifa và “những phần tử cực đoan” khác mà ông quy trách đã tiếp tay thúc đẩy bạo động.

Tuy nhiên, theo hồ sơ toà án liên bang mà Reuters xem xét và các dòng tin nhắn mà một số nghi can đưa lên mạng xã hội cùng những cuộc phỏng vấn với luật sư biện hộ và các công tố viên cho thấy hầu hết là các hành vi bạo động vô tổ chức của những người không có liên hệ rõ ràng với các nhóm Antifa hay các nhóm cánh tả.

Reuters chỉ xem một số vụ án liên bang, vì những cáo buộc của Bộ Tư pháp về việc liên hệ đến Antifa hay những tổ chức tương tự, và vì những truy tố liên bang thường có những hình phạt nặng hơn.

Bộ Tư pháp từ chối bình luận về phát hiện của Reuters và nhắc đến một cuộc phỏng vấn của ông Barr dành cho Fox News ngày 8/6. Ông Barr nói là trong khi Bộ đang có một số cuộc điều tra về Antifa, mọi việc vẫn trong “giai đoạn sơ khởi nhận diện nghi can.”

Cướp bóc và bạo đông bùng phát tại một số nơi trong khoảng một trăm cuộc biểu tình đa số là ôn hòa trong tuần qua từ sau cái chết hôm 25/5 của ông George Floyd, một người Mỹ gốc Phi, trong lúc ông bị cảnh sát khống chế.

Cảnh sát viên Derek Chauvin bị truy tố tội giết người và 3 nhân viên cảnh sát khác bị truy tố tội hỗ trợ và tiếp tay phạm tội.

Trong khi Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tư pháp liên tiếp nêu đích danh Antifa (một phong trào không có hình thức rõ ràng chủ yếu là tả khuynh, chống độc tài) như yếu tố chính khích động bất ổn, Antifa không xuất hiện trên bất cứ tài liệu truy tố liên bang nào mà Reuters thấy được. Có thể khi các vụ án tiến triển sẽ xuất hiện thêm nhiều bằng chứng khác.

Chỉ có một tổ chức được nêu tên trong cáo trạng liên bang: phong trào boogaloo. Các công tố viên cho biết thành viên của phong trào này tin rằng sẽ xảy ra một cuộc nội chiến.

Các chuyên gia nghiên cứu về các nhóm thù hận nói những thành viên của boogaloo phần lớn là một tập họp đa dạng những phần tử cực đoan cánh hữu. Các công tố viên cáo buộc 3 người đàn ông liên hệ tới phong trào này đã âm mưu gây nổ tại Los Angeles với hy vọng gây ra bạo loạn trước một cuộc biểu tình.

Không tuyên bố trung thành

Trong ba vụ hình sự khác, các nghi can khai với cảnh sát khuynh hướng ý thức hệ của mình nhưng không tuyên bố trung thành với một tổ chức đặc biệt nào.

Tại Massachusetts, Vincent Eovacious 18 tuổi bị truy tố về tội sở hữu một chai bom xăng Molotov và theo cáo trạng thì người này khai với cảnh sát là thuộc một “tổ chức vô chính phủ.”

Một người khác tên là Brian Bartels, bị bắt tại Pennsylvania về tội phun sơn và phá hủy một xe cảnh sát, tự mô tả mình là một người “cực tả”.

Emmanuel Quinones, 25 tuổi ở Lubbock, Texas, vẫy một khẩu súng tấn công tại một cuộc biểu tình và hô to: “Đây là một cuộc cách mạng” và “Tổng thống Trump phải chết” khi bị bắt. Người này công nhận đưa lên truyền thông xã hội những thông điệp đe dọa ông Trump.

Bà Barbara McQuade, chưởng lý cho khu vực Đông Michigan dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết các công tố viên thường thường thận trọng trong việc cáo buộc những cá nhân căn cứ vào ý thức hệ của họ vì Hiến pháp bảo đảm quyền tự do ngôn luận.

Ông Michael German, một cựu nhân viên FBI và hiện là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Công lý Brennan, nói chính phủ có thể đưa thêm bằng chứng tại toà, nhưng “thiếu những chỉ dấu rõ ràng về sự dính líu của phong trào chống phát xít trong những cuộc biểu tình này, theo tôi, cho thấy họ không hề lãnh đạo tình trạng bạo động trong các cuộc biểu tình vừa qua.”

Bom xăng Molotov

Hầu hết những cá nhân bị truy tố--khoảng 40 người—bị cáo buộc có những hành vi bạo động chung quanh các cuộc biểu tình, từ việc ném bom xăng Molotov cho đến gây cháy và cướp các cửa tiệm, theo hình ảnh và chứng cứ trong cáo trạng.

Các trường hợp còn lại, không có bạo động nghiêm trọng bị cáo buộc. Một số người bị bắt bị truy tố chỉ vì sở hữu ma túy hay vũ khí bất hợp pháp.

Người đứng đầu đơn vị tình báo Cảnh sát New York, ông John Miller cho báo giới biết chắc chắn có những dấu hiệu bạo động có tổ chức bởi “những nhóm vô chính phủ” để “sẵn sàng phá hoại tài sản” tại các “cửa hàng sang trọng của các tập đoàn” và phát triển một “mạng lưới phức tạp đi theo bằng xe đạp” để báo cáo những hoạt động của cảnh sát.

Tuy nhiên không có ai trong 8 người bị Bộ Tư pháp truy tố tại New York bị cáo buộc có dính líu đến những tổ chức vô chính phủ, theo hồ sơ tòa án.