Đặc phái viên LHQ chỉ thăm lại Myanmar với điều kiện được gặp bà Suu Kyi

Bà Noeleen Heyzer, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Myanmar

Một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc, người đã có chuyến đi hiếm hoi để hội đàm với các nhà cầm quyền quân sự Myanmar vào tháng trước cho biết hôm thứ Hai 5/9 rằng bà sẽ thăm lại quốc gia Đông Nam Á này nếu được phép gặp nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do khôi nguyên giải Nobel Suu Kyi lãnh đạo vào đầu năm ngoái và đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình ôn hòa và các phong trào vũ trang phản kháng sau đó.

Bà Noeleen Heyzer, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Myanmar, nói trong một cuộc hội thảo ở Singapore rằng "thực tế là không có con đường rõ ràng nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này và sẽ không có một giải pháp dễ dàng nào."

Trong các bình luận được đưa ra trong một tuyên bố, bà cũng lưu ý "sự khác biệt trong quan điểm của các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc về Myanmar vẫn tiếp tục" và nói rằng "các giải pháp chính trị cuối cùng không thể được áp đặt từ bên ngoài."

Trong chuyến thăm vào tháng trước, bà Heyzer cho biết bà đã kêu gọi quân đội thả các tù nhân chính trị và ngừng các vụ hành quyết sau khi bà gặp lãnh đạo chính phủ quân sự Min Aung Hlaing và các quan chức khác.

"Nếu tôi đến thăm Myanmar một lần nữa, điều đó chỉ có thể nếu tôi được phép gặp bà Daw Aung San Suu Kyi," bà Heyzer nói tại buổi hội thảo do Viện ISEAS – Yusof Ishak tổ chức, gọi nhà lãnh đạo bị lật đổ bằng kính ngữ được sử dụng ở Myanmar.

Baw Heyzer bày tỏ lo ngại về sức khỏe và tinh thần của bà Suu Kyi và nói rằng ông Min Aung Hlaing đã "đề cập đến khả năng cuối cùng sẽ có cuộc gặp."

Bà Suu Kyi, 77 tuổi, đã bị xét xử hơn một năm với nhiều tội danh khác nhau, từ tham nhũng và kích động đến tiết lộ bí mật nhà nước, với mức án tối đa tổng hợp là hơn 190 năm tù.

Bà Suu Kyi đang bị biệt giam và bị kết tội gian lận bầu cử hôm thứ Sáu tuần qua và bị kết án ba năm tù giam với lao động khổ sai. Bà phủ nhận mọi cáo buộc.

Cho đến nay, nhà cầm quyền quân sự Myanmar không cho phép bà tiếp xúc với bất kỳ quan khách nào và một phát ngôn viên của quân đội hồi tháng trước cho biết nhà chức trách sẽ không cho phép bất cứ ai gặp những người đang bị cáo buộc hình sự.

(Theo Reuters)