Đường dẫn truy cập

Đạo luật kiểm soát súng đạn của Mỹ ‘chỉ là hình thức’


Người dân tập hợp trước Điện Capitol để yêu cầu Quốc hội hành động về kiểm soát súng đạn  
Người dân tập hợp trước Điện Capitol để yêu cầu Quốc hội hành động về kiểm soát súng đạn  

Cần nâng độ tuổi được phép sở hữu súng, cấm các loại súng có độ sát thương cao và nhất là phải nâng cao trách nhiệm của người sử dụng súng, một cư dân gốc Việt ở California theo dõi vấn đề này nói với VOA và chỉ trích đạo luật kiểm soát súng đạn mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua ‘chỉ là hình thức’.

Dự luật về kiểm soát súng đạn đã được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 23/6 với tỷ lệ 234-193, chỉ một ngày sau khi nó được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 65-33 với 15 thượng nghị sỹ Cộng hòa hòa cùng toàn bộ 50 đồng nghiệp Dân chủ ủng hộ dự luật.

Dự luật đưa ra những biện pháp kiểm soát súng đạn ở mức độ khiêm tốn nhất, bao gồm khuyến khích các bang không cho những người được coi là nguy hiểm được giữ súng và thắt chặt kiểm tra nhân thân đối với người mua súng có tiền án bạo lực gia đình hoặc phạm tội nặng khi còn là trẻ vị thành niên.

Đây là đạo luật kiểm soát súng quan trọng đầu tiên được thông qua trong ba thập kỷ tại một quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng trên đầu người cao nhất thế giới và số vụ xả súng hàng loạt hàng năm nhiều nhất trong số các nước giàu, trong lúc Mỹ vừa rúng động với vụ xả súng vào trường tiểu học ở Uvalde, bang Texas, làm thiệt mạng 19 học sinh và 2 giáo viên.

Trong năm 2022 đã có hơn 20.800 người thiệt mạng vì bạo lực súng đạn ở Mỹ, gồm cả các vụ giết người và tự sát, theo Gun Violence Archive, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận.

Trao đổi với VOA từ San Jose, bang California, ông Phạm Hoài Bắc, một cử tri độc lập hiện đã về hưu, nhận định việc cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật này một cách ‘bất khả kháng’ trước những vụ xả súng xảy ra dồn dập đánh động toàn xã hội Mỹ.

“Nó giúp ổn định một phần xã hội nhưng vẫn chưa đủ và chưa đi đến đâu,” ông nói.

“Chẳng qua nó chỉ là hình thức,” ông nói thêm. “Nó chỉ nhằm xoa dịu những chết chóc và những vết thương do bạo lực súng đạn gây ra ở Mỹ lâu nay.

Ông cho rằng các thượng nghị sỹ và dân biểu Đảng Cộng hòa, vốn lâu nay vẫn quyết liệt phản đối việc áp đặt các hạn chế về sở hữu súng đạn, bỏ phiếu cho dự luật này là vì ‘có thể trong số các cử tri của họ có người đòi tăng cường kiểm soát súng đạn, nên họ cần phải có động thái nào đó để lấy phiếu cử tri’.

‘Trách nhiệm’ khi sở hữu súng

Dẫn ra vụ thảm sát ở Uvalde với tay súng vừa mới tròn 18 tuổi, ông Bắc nói ‘không hợp lý chút nào’ khi luật Mỹ quy định một thanh niên phải đủ 21 tuổi mới được quyền mua thuốc lá hay bia rượu trong khi để sở hữu được súng thì chỉ cần đủ 18 tuổi.

“Tôi là người đã từng đi ra chiến trường ở Việt Nam, thành ra tôi hiểu rằng, người cầm cây súng bên mình phải có sự bình tĩnh nhất định, phải hiểu các nguy hiểm của cây súng là gì,” ông Bắc vốn từng phóng viên chiến trường của Đài phát thanh Quân đội Việt Nam Cộng hòa, nói với VOA.

“Đối với thanh niên mới 18 tuổi thì tôi e rằng do máu thanh niên mới lớn rất hiếu thắng khi họ có cây súng cầm ra đường như vậy thì việc bắn người là khó lòng tránh khỏi,” ông phân tích.

Ông Bắc nói Tu chính án thứ hai vốn cho phép người dân Mỹ được quyền sở hữu súng để tự vệ là ‘không có gì sai’ nhưng để người dân Mỹ ra đường không còn phải lo sợ thì ‘súng đạn phải ở trong mức được kiểm soát’.

Do đó, ông đề xuất nâng độ tuổi người được phép sở hữu súng và đối với một vấn đề có thể gây hại cho xã hội như sở hữu súng thì ‘cần phải nâng cao trách nhiệm người có súng’.

Ông cho biết bản thân ông từ sau cuộc chiến ở Việt Nam ông ‘không bao giờ đụng đến súng đạn nữa’ vì ‘khi mình mang súng vào người, mình phải có trách nhiệm rất lớn với chính mình và xã hội’.

“Súng đạn không phải là trò chơi, mà là vũ khí, nếu anh có súng anh phải hiểu trách nhiệm của anh, anh phải qua ít nhất một khóa để dạy về sự nguy hại của súng, phải học cách sử dụng, biết nơi chốn để cất súng và tất cả những trách nhiệm liên đới của mình khi có súng,” ông giải thích.

“Khi học xong, được chứng nhận thì mới được mua súng,” ông nói, so sánh việc này với việc muốn lái xe phải có bằng lái và chỉ ra ngay cả quân nhân muốn sử dụng súng ‘cũng phải trải qua vài tháng huấn luyện với đạn giả’.

Ông chỉ trích luật pháp lơ là vấn đề trách nhiệm của người có súng. Ông ví dụ nếu ai đó có súng bị kẻ khác lấy trộm để đi gây án thì người đó chỉ cần báo cáo mất cây súng đó ngoài ra ‘không phải chịu trách nhiệm gì’.

‘Nên cấm súng bán tự động’

Từ kinh nghiệm chiến trường của mình, ông nói các khẩu súng bán tự động, hiện vẫn đang được cho phép người dân sử dụng hợp pháp ở Mỹ, ‘có sức công phá rất mạnh’ nên ‘chỉ dùng cho chiến tranh thôi’.

“Nếu có kẻ cướp đột nhập vào nhà thì mình dùng shotgun (tức súng hoa cải) thôi cũng đủ chứ cần gì dùng đến khẩu AR15?” ông đặt vấn đề. “Súng đó ngay cả thợ săn cũng không dùng đến.”

Về đề xuất trang bị cho giáo viên súng để bảo vệ học sinh hay bố trí thêm cảnh sát ở các trường học, ông Bắc nhận định là ‘điều ngu xuẩn’ của các chính trị gia muốn đẩy trách nhiệm về bạo lực súng đạn lên người khác.

“Các chính tri gia cả Cộng hòa lẫn Dân chủ đều ít nhiều nhận tiền tài trợ của NRA (Hiệp hội Súng trường Quốc gia). Những đồng tiền vận động hành lang đó khiến họ không mở miệng được,” ông chỉ trích.

Theo lập luận của ông thì giáo viên chỉ được đào tạo để truyền thụ kiến thức cho học sinh và không có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho các em và dẫn ra một phân tích mà ông đã xem qua cho thấy xác suất thành công của việc giáo viên có súng trong tất cả kịch bản xả súng hàng loạt là ‘chưa tới 1%’.

Về đề xuất tăng cường thêm cảnh sát ở các trường học, ông Bắc cho rằng ‘sẽ khiến những kẻ có mưu đồ xả súng phải tính toán kỹ hơn’ nhưng nó lại ‘đặt gánh nặng quá mức lên chính quyền các địa phương khi phải tìm ngân sách trang trải’.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG