Đường dẫn truy cập

Australia mua tên lửa HIMARS của Mỹ để tăng cường hệ thống phòng thủ


Một hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS ) trong một cuộc tập trận ở Riga, Latvia, 26/9/2022.
Một hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS ) trong một cuộc tập trận ở Riga, Latvia, 26/9/2022.

Australia tuyên bố hôm thứ Năm 5/1 rằng họ sẽ tăng cường khả năng phòng thủ với việc chi hơn 700 triệu đô la Mỹ cho các hệ thống tên lửa và rocket tiên tiến mới, bao gồm loại HIMARS do Mỹ sản xuất đã được quân đội Ukraine sử dụng thành công.

Tại Ukraine, HIMARS di động, gắn trên xe tải đã chứng minh tầm quan trọng có tính quyết định trong việc giúp các lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu chủ chốt, bao gồm cả cuộc tấn công gần đây vào một tòa nhà khiến ít nhất 89 binh sĩ Nga mất mạng.

Chính phủ Australia cho biết loại HIMARS mà họ mua bao gồm bệ phóng, tên lửa, và rocket dùng để huấn luyện, và sẽ chính thức được trang bị vào năm 2026. Họ cho biết hệ thống này có tầm bắn hiện tại là 300 km, dự kiến sẽ còn tăng lên cùng với những tiến bộ công nghệ.

Chính phủ Australia cho hay họ cũng đã ký hợp đồng với hãng Kongsberg có trụ sở ở Na Uy để mua loại tên lửa tấn công của hải quân để lắp cho các tàu khu trục và tàu hộ tống của hải quân; từ năm tới, những tên lửa này sẽ thay thế các tên lửa chống hạm Harpoon đã cũ.

Với lý do bảo mật cho các vấn đề an ninh và điều hành, chính phủ Australia, do Thủ tướng Anthony Albanese đứng đầu, không đưa ra chi phí cụ thể của hai hệ thống và cũng không cho biết họ mua bao nhiêu hệ thống.

Nhưng năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã duyệt một thương vụ tiềm tàng về bán đồ quân sự cho nước ngoài, và cho hay rằng Australia đề nghị mua 20 hệ thống HIMARS do Lockheed Martin sản xuất và các thiết bị liên quan với chi phí ước tính là 385 triệu đô la.

“Thương vụ dự kiến này sẽ hỗ trợ các mục tiêu về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ viết trong hồ sơ về thương vụ vào thời điểm đó. “Australia là một trong những đồng minh quan trọng nhất của chúng ta ở Tây Thái Bình Dương. Vị trí chiến lược của cường quốc chính trị và kinh tế này góp phần đáng kể vào việc đảm bảo hòa bình và ổn định kinh tế trong khu vực", vẫn theo hồ sơ.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nói rằng việc quân đội được trang bị vũ khí cao cấp, hiện đại là điều quan trọng khi họ tìm cách ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.

“Chính phủ của ông Albanese đang thực hiện một cách tiếp cận chủ động để giữ an toàn cho Australia - và các bệ phóng HIMARS và Tên lửa Tấn công của Hải quân sẽ mang lại cho Lực lượng Phòng vệ của chúng tôi khả năng ngăn chặn xung đột và bảo vệ lợi ích của chúng tôi”, ông Marles nói trong một tuyên bố.

Australia và Mỹ trong những năm gần đây ngày càng lo ngại về sự hung hăng mỗi lúc một lớn thêm của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Những lo ngại đó càng tăng cao sau khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh vào năm ngoái với Quần đảo Solomon, khiến Mỹ đẩy mạnh kế hoạch mở lại đại sứ quán ở thủ đô Honiara của quần đảo.

(AP)

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG