Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tham gia xét nghiệm cá ở Fukushima sau khi nước thải nhà máy hạt nhân xả ra


Nhóm chuyên gia của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) cùng các nhà khoa học Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada quan sát các giỏ cá được lấy làm mẫu tại Cảng Hisanohama ở Iwaki, quận Fukushima, Nhật Bản, vào ngày 19 tháng 10 năm 2023.
Nhóm chuyên gia của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) cùng các nhà khoa học Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada quan sát các giỏ cá được lấy làm mẫu tại Cảng Hisanohama ở Iwaki, quận Fukushima, Nhật Bản, vào ngày 19 tháng 10 năm 2023.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế hôm thứ Năm (19/10) thu thập mẫu cá từ một thị trấn cảng gần nhà máy hạt nhân Fukushima đã bị hỏng của Nhật Bản, nhằm đánh giá tác động của việc xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển gần đây.

Đây là nghiên cứu đầu tiên của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc kể từ khi việc xả nước bắt đầu vào tháng 8, một động thái thu hút sự chỉ trích từ ngư dân địa phương và khiến Trung Quốc cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản từ Nhật Bản vì lo ngại về an toàn thực phẩm.

Các nhà khoa học từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada đã quan sát việc thu thập các mẫu cá tươi được giao từ tàu tại cảng Hisanohama, cách nhà máy đã bị phá hủy trong trận động đất và sóng thần năm 2011 khoảng 50 km về phía nam.

Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) cho biết các mẫu này sẽ được gửi đến các phòng thí nghiệm ở mỗi quốc gia để xét nghiệm độc lập.

Paul McGinnity, nhà khoa học nghiên cứu của IAEA giám sát cuộc khảo sát cho biết: “Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu chúng tôi làm điều này và một trong những lý do họ muốn chúng tôi làm điều này là nhằm cố gắng củng cố niềm tin vào dữ liệu mà Nhật Bản cung cấp”.

Hơn một triệu tấn nước - đủ để lấp đầy 500 hồ bơi Olympic - đã bị ô nhiễm do tiếp xúc với các thanh nhiên liệu của lò phản ứng sau thảm họa năm 2011.

Nhà điều hành nhà máy Tepco cho biết trước khi xả ra, số nước này đã được lọc để loại bỏ các đồng vị, chỉ còn lại tritium, một đồng vị phóng xạ của hydro rất khó tách. Số nước này cũng được pha loãng cho đến khi hàm lượng tritium giảm xuống dưới mức giới hạn quy định.

Tritium được coi là tương đối vô hại vì bức xạ của nó không đủ năng lượng để xuyên qua da người. Tuy nhiên, khi uống vào ở mức cao hơn mức có trong nước thải, nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư, một bài báo của Scientific American cho biết vào năm 2014.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm nói rằng IAEA nên đóng vai trò mang tính xây dựng và gánh vác trách nhiệm giám sát việc Nhật Bản xả nước từ nhà máy hạt nhân Fukushima.

Người phát ngôn Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra nhận xét này khi được hỏi tại sao Trung Quốc lại tham gia vào cuộc khảo sát do IAEA dẫn đầu ở Nhật Bản.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG