Thực trạng nhân quyền, đặc điểm môi trường chính trị ở Việt Nam, cũng như những hạn chế của chính phủ Hà Nội đối với quyền sử dụng Internet và những tiếng nói bất đồng đã là đề tài của một buổi hội thảo tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliot, thuộc Đại học George Washington, ở thủ đô Hoa Kỳ hôm 14/1/2010. Trà Mi tham dự và có bài tường trình chi tiết.
Diễn giả chính buổi hội thảo mang tên Phiên tòa "phản động": những nhà đồng chính kiến, nhà nước Việt Nam, và môi trường sinh hoạt blog là giáo sư Shawn McHale, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Sigur thuộc Đại học George Washington, tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về Việt Nam, người đã thực hiện nhiều chuyến đi thực tế Việt Nam và cũng vừa trở về từ Việt Nam sau một năm nghiên cứu theo chương trình tài trợ của quỹ Fulbright-Hays dành cho các giảng viên.
Giáo sư McHale nhấn mạnh buổi hội thảo có liên hệ tới những gì đang diễn ra tại Việt Nam, giữa lúc các phiên xử 4 nhà bất đồng chính kiến trong đó có luật sư Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung sắp diễn ra, đại hội Đảng lần thứ 11 sắp tới, và tình hình siết chặt kiểm soát Internet của chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo nhận xét của ông, trong những năm gần đây, tình trạng dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam đã có những bước thụt lùi mà biểu hiện rõ nhất là trong năm 2009.
Để dẫn chứng cho nhận xét này, giáo sư McHale liệt kê những sự kiện lớn trong năm qua gây chú ý dư luận bao gồm các vụ tranh chấp liên quan đến tôn giáo, mối quan hệ Việt-Trung, những tranh cãi về dự án bauxite Tây Nguyên, tệ nạn tham nhũng, và việc nhà nước tăng cường kiểm soát các trang mạng xã hội. Thực trạng này, theo ông, đã khơi dậy sự bất bình, bất đồng chính kiến từ chính những người dân trong nước, chứ không phải do những thành phần ở hải ngoại xúi giục như chính phủ Việt Nam vẫn thường lên án.
Diễn giả đặc biệt lưu ý rằng những ý kiến bất đồng và đòi hỏi cải cách giờ đây không phải là những người có khuynh hướng chống cộng thuộc thế hệ trước bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến, mà chính là thành phần trẻ sinh trưởng sau chiến tranh.
Về phiên xử các nhà bất đồng chính kiến Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long sẽ diễn ra trong tháng này, diễn giả McHale lý luận họ là những trí thức trẻ cổ võ một cách ôn hòa cho những giá trị được tôn trọng trên toàn cầu và đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam trong khi chính phủ Hà Nội khẳng định những người này bị bắt vì vi phạm pháp luật. Hà Nội tố cáo những người này có các bài viết và lập đảng chống nhà nước, nhưng theo giáo sư McHale, họ chỉ nêu lên những phương cách ôn hòa để đối diện với bạo quyền và phục hoạt Đảng Dân chủ từng tồn tại ở Việt Nam từ 1944-1988.
Trả lời phỏng vấn Ban Việt Ngữ đài VOA, giáo sư McHale nhấn mạnh:
"Những người này bị truy tố tội lật đổ chính quyền. Nếu Việt Nam lý luận như vậy, họ phải trưng ra những bằng chứng rõ ràng cụ thể. Bản cáo trạng chỉ quy tội chung chứ không chứng minh được những người này xúi giục lật đổ chính quyền ra sao hoặc có những hành động lật đổ như thế nào. Những gì họ làm là bày tỏ ý kiến ôn hòa, đòi hỏi cải cách để tiến bộ. Nhìn về lâu về dài, nhà nước Việt Nam đang ở trong một thế yếu, những tranh luận tại Việt Nam ngày càng mạnh và nhiều, Đảng Cộng sản không thể nào quay trở lùi như thời gian những năm 90. Hà Nội phải nhìn thẳng vào thực tế."
Giáo sư McHale nói những lời chỉ trích và ý kiến phản biện sẽ góp ích cho sự phát triển và vì thế, nhà nước Việt Nam cần phải chấp nhận để tiến bộ. Ông cho rằng thời kỳ mà Việt Nam được xem là có tự do ngôn luận nhất là giai đoạn từ năm 1936-1939, dưới thời thuộc địa Pháp. Lúc ấy, người dân, đặc biệt là ở miền Nam, được quyền tự do xuất bản báo chí tư nhân. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, giờ đây với sự góp mặt của công nghệ thông tin và áp lực quốc tế, Việt Nam đã có một chút cởi mở hơn so với chừng 20 năm trước. Số lượng báo chí tăng, truyền thông được phép khai thác các thông tin về tham nhũng ở cấp thấp, nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.
Vẫn theo lời ông McHale, nhiều đề tài tưởng chừng được nhà nước cho phép bàn trên báo chí như tham nhũng hay vấn đề chủ quyền, tuy nhiên, khi người dân phản ứng mạnh mẽ thì nhà nước liền tay đàn áp. Điển hình là đã có một số phóng viên, tổng biên tập, và blogger gặp rắc rối.
Giáo sư McHale nói sự bùng nổ các phương tiện thông tin như web hay blog đã giúp người dân Việt Nam mở mang tầm nhìn và lên tiếng đòi hỏi tự do nhiều hơn, khiến cho những nỗ lực kiểm soát của chính phủ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hà Nội giờ đây chủ yếu lo ngại về những xu hướng đối kháng trong nước hơn là những thành phần chống cộng mà họ cho là thù nghịch.
Ông McHale phát biểu: "Đây là một vấn đề đau đầu cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cổ võ chủ nghĩa dân tộc trong các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, và giờ đây chính tinh thần chủ nghĩa dân tộc là động lực của những tiếng nói bất đồng trong nhân dân về các vụ như dự án bauxite Tây Nguyên hay vấn đề chủ quyền lãnh hải."
Trong các ví dụ diễn giả McHale đưa ra để chứng minh việc Hà Nội ngăn chặn quyền tự do thông tin và Internet của người dân có vụ trang web về bauxite ở Việt Nam của giáo sư Nguyễn Huệ Chi và trang mạng Talawas ở Châu Âu bị tin tặc tấn công.
Mới đây, website của Cao trào Nhân bản ở Bắc Mỹ cũng đã bị tin tặc phá hoại. Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, đại diện tổ chức cho biết:
"Tháng 8/2009 Tổng cục kỹ thuật Bộ Công an ra chỉ thị phải ngăn chặn 8 website trong đó có trang web của Cao trào Nhân bản. Chúng tôi có nguyên văn bản chỉ thị đó, nói rằng cần ngăn chặn các trang web có nội dung xấu, bao gồm Facebook, Cao trào nhân bản, trang bauxite..v.v.. Kể từ đó, họ liên tục tấn công website của chúng tôi. Hôm 11/1, website đó hoàn toàn không sử dụng được nữa.
Sự ngăn cản những website như thế nghĩa là nhà cầm quyền Cộng sản muốn bịt miệng tất cả những tiếng nói dân chủ, tự do. Nhưng với phương tiện mới bây giờ, chúng tôi nghĩ họ sẽ thất bại. Điều họ cần làm là cải thiện nhân quyền, kinh tế, chính trị ở Việt Nam hơn là lo ngăn chặn, phá hoại những website có tính thông tin đại chúng mang lại những nguồn tin trung thực cho đồng bào trong nước. Hiện nay họ rất cần những thông tin đó."
Trà Mi tường trình từ Washington.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1