Đường dẫn truy cập

Amazon khai trương trang web bán hàng trên mạng ở Ấn Ðộ


Khách hàng Ấn Độ mua quyển Harry Potter vừa mới ra
Khách hàng Ấn Độ mua quyển Harry Potter vừa mới ra
Hy vọng vận dụng tiềm năng ngày càng tăng ở Ấn Ðộ về thương mại trên mạng, công ty bán lẻ trên mạng lớn nhất thế giới Amazon đã khai trương trang web mua bán đầu tiên ở Ấn Ðộ.

Trang mạng amazon - https://www.amazon.in/ - ở Ấn Ðộ rao bán 7 triệu đầu sách và 12 ngàn phim ảnh và chương trình truyền hình. Trong những tuần lễ sắp tới, trang web này sẽ rao bán thêm các sản phẩm như điện thoại di động và máy thu hình.

Công ty bán lẻ trên mạng của Hoa Kỳ sẽ không bán các sản phẩm riêng của mình ở Ấn Ðộ, bởi vì luật lệ của Ấn Ðộ cấm các công ty bán trực tiếp cho khách tiêu thụ những hàng hóa mang hơn một nhãn hiệu. Thay vì thế, trang mạng này phục vụ như một cửa hàng bách hóa, bán sản phẩm của các công ty bán lẻ địa phương.

Năm ngoái, Amazon đã khai trương một trang ở Ấn Ðộ giúp khách hàng đọ giá trên mạng, nhưng không mua các sản phẩm.

Công ty gia nhập một thị trường nơi việc mua bán bằng kỹ thuật số còn ở trong giai đoạn phôi thai, như dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng, theo ý kiến của nhà nghiên cứu thị trường Shabori Das của công ty Euromonitor:

“Bán lẻ qua Internet dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm gần 17 phần trăm trong 5 năm sắp tới, và sự kiện này khiến Ấn Ðộ nằm trong số 20 thị trường bán lẻ trên Internet tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các thị trường này sẽ được thúc đẩy bởi các sản phẩm khác nhau như quần áo, giầy dép, và đồ điện tử tiêu thụ.”

Các nhà bán lẻ trên mạng đang nhắm vào khối lượng lớn những người mua trẻ tuổi ở các thành phố là đối tượng khách hàng. Chỉ có khoảng 12 phần trăm người Ấn truy cập được Internet – con số ít hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc.

Nhưng ở mức 15 triệu thì tổng số người sử dụng Internet ở Ấn Ðộ cũng vẫn đứng vào hàng thứ ba trên thế giới. Và con số này sẽ tăng gấp bội khi ngày càng có nhiều người nối kết được với Internet.

Các con số ngày càng tăng này đã khiến giới kinh doanh tin tưởng là mua bán trên mạng ở Ấn Ðộ sẽ chiếm một phần lớn hơn trong tổng số hàng bán lẻ.

Trong số này có ông Kunal Bahl, đồng sáng lập viên của công ty Snapdeal.com, là công ty bán lẻ nhiều loại sản phẩm:

“Ngay bây giờ, ở Ấn Ðộ có khoảng 0,2 đến 0,5 phần trăm các giao dịch được thực hiện bằng kỹ thuật số. Tuy nhiên trong các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, con số đó là 10 phần trăm. Do đó chúng ta có tiềm năng tăng trưởng từ 0,2 đến lên ít nhất 10 phần trăm và có thể còn con hơn nữa bởi vì Ấn Ðộ không có sự kiện thâm nhập vào thị trường ngoài mạng giống như Hoa Kỳ.”

Ông Bahl nêu ra rằng ở Ấn Ðộ các vấn đề hạ tầng cơ sở có thể gây khó khăn cho việc mua bán ở các thành phố lớn, và nhiều sản phẩm không có được ở các thành phố nhỏ.

“Xét về mặt giao thông và kích cỡ của các thành phố Ấn Ðộ, thì các thành phố này không có một khu trung tâm, giống như trường hợp của đa số các thành phố Tây phương. Chúng ta có gần như tới 25 khu trung tâm ở New Delhi. Các thành phố này to lớn và khó đi lại cho người mua sắm. Tại các thành phố thuộc Loại 1, mọi người có thể thấy chuyện mua bán trên mạng là tiện lợi, trong khi ở các thành phố thuộc Loại 2 và xa hơn thì mọi người chỉ có thể tiếp cận qua mong ước … được sở hữu những thứ tiện lợi cho đời sống nhưng không tiếp cận được qua việc mua lẻ trên mạng.”

Tuy nhiên con đường đi đến lợi nhuận lớn có thể không dễ dàng cho giới bán lẻ trên mạng. Thương vụ hiện thời trên mạng tổng cộng lên tới 10 tỷ đôla, nhưng một phần lớn là vé máy bay.

Bà Shabori Das thuộc tổ chức Euromonitor nói đa số các cửa hàng trên mạng đang phải chật vật mới làm ra tiền. Ðể tranh thủ khách hàng, nhiều công ty phải rao bán các phương tiện khác như trả tiền mặt lúc giao hàng. Và thuyết phục mọi người mua bán trên mạng cũng là một việc khó khăn.

“Mặc dầu lượng bán rất cao lợi nhuận ròng của đa số các công ty bán lẻ trên mạng vẫn còn ở mức lỗ. Nếu ta coi trị giá của món hàng, cùng với bao bì, gửi hàng miễn phí, thì cộng lại sẽ cao hơn giá người tiêu dùng trả cho nhà bán lẻ. Cuối cùng thì vẫn có sự kiện người tiêu thụ không thích mấy về việc liệu sản phẩm mua có ở trong tình trạng tốt hay không, hoặc liệu có đáng số tiền họ phải trả hay không.”

Với sự tham gia của các công ty như Amazon, công cuộc cạnh tranh để lấy thêm khách hàng mới sẽ còn trở nên gay gắt hơn nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG