Đường dẫn truy cập

Bà Harris cam kết hỗ trợ liên tục từ liên bang cho những nơi bị bão tàn phá


Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris giúp đóng gói các gói cứu trợ khẩn cấp trong khi gặp gỡ các tình nguyện viên sau cơn bão Helene tại một trung tâm quyên góp tài nguyên ở Charlotte, North Carolina, ngày 5 tháng 10 năm 2024.
Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris giúp đóng gói các gói cứu trợ khẩn cấp trong khi gặp gỡ các tình nguyện viên sau cơn bão Helene tại một trung tâm quyên góp tài nguyên ở Charlotte, North Carolina, ngày 5 tháng 10 năm 2024.

Phó Tổng thống Mỹ và ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris cam kết hỗ trợ liên tục của chính phủ liên bang khi bà đến thăm bang North Carolina vào ngày thứ Bảy sau Bão Helene, chuyến đi thứ hai của bà trong bốn ngày đến vùng thảm họa.

Bà đến thành phố Charlotte một ngày sau chuyến thăm của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump cũng tới bang này.

Bà hứa hỗ trợ của liên bang sẽ tiếp tục đổ tới và dành lời khen ngợi cho "những người lạ đang giúp đỡ lẫn nhau, cung cấp cho mọi người nơi trú ẩn, thức ăn, tình bạn và sự tương thân tương ái."

Dù ông Trump tuyên bố phản ứng của liên bang tại bang này là "tệ hại," Thống đốc Roy Cooper cho biết North Carolina "vô cùng biết ơn các nguồn lực liên bang mà chúng tôi có. FEMA đã ở cùng chúng tôi ngay từ đầu,” ông nói, nhắc đến Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang.

Sau khi tham dự một cuộc họp báo cáo tình hình, bà Harris giúp đóng gói đồ vệ sinh cá nhân vào bộ dụng cụ cứu thương tại một trung tâm phân phối.

Đầu tuần này, bà Harris đến bang Georgia, nơi bà giúp phát các bữa ăn, đi thăm vùng bị thiệt hại, và an ủi những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão. Tổng thống Joe Biden cũng đã đến thăm vùng thảm họa. Trong các chặng dừng chân kéo dài hai ngày ở hai bang North và South Carolina, Florida và Georgia, ông Biden đi thị sát thiệt hại và gặp gỡ những nông dân có hoa màu bị hủy hoại.

Hơn 200 người đã thiệt mạng vì Helene. Đây là cơn bão tai hại nhất đổ bộ vào đất Mỹ kể từ cơn bão Katrina năm 2005 và các nhà khoa học đã cảnh báo rằng những cơn bão như vậy sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn vì biến đổi khí hậu.

Nhưng trong năm bầu cử, ngay cả thảm họa thiên nhiên cũng bị chính trị hóa sâu sắc khi các ứng cử viên đi khắp khu vực thảm họa và trong một số trường hợp đến cùng một địa điểm để lấy lòng cử tri ở các bang chiến địa.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG