Đường dẫn truy cập

Ấn Độ, Pakistan tranh cãi về kho vũ khí hạt nhân


Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan T.C. A Raghavan (giữa) nói tăng cường kho vũ khí hạt nhân không phải là một cách để xây dựng lòng tin.
Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan T.C. A Raghavan (giữa) nói tăng cường kho vũ khí hạt nhân không phải là một cách để xây dựng lòng tin.

Đại sứ Ấn Độ ở Pakistan đã bác bỏ những tuyên bố của Islamabad cho rằng sự gia tăng nhanh chóng của kho vũ khí hạt nhân của Pakistan, bao gồm những vũ khí hạt nhân “chiến thuật” tầm ngắn, là một sự răn đe để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh khác nữa giữa hai quốc gia kình địch này. Từ Islamabad, thông tín viên Ayaz Gul của đài VOA gởi về bài tường thuật.

Tuy các kênh ngoại giao và thương mại giữa Ấn Độ và Pakistan đang rộng mở, cuộc đối thoại gồm nhiều đề tài để giải quyết các vấn đề như khủng bố và vụ tranh chấp lãnh thổ ở Kashmir vẫn tiếp tục bị tạm ngưng.

Những vụ đụng độ trong nhiều tháng dọc theo lằn ranh ngưng bắn ở Kashmir đã giảm đi trong vài tuần qua, nhưng căng thẳng vẫn tiếp tục gây tổn hại cho các mối quan hệ song phương. Sự lo ngại là một cuộc chiến tranh khác nữa trong khu vực có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân tiếp tục là một nguồn gây quan tâm cho cộng đồng quốc tế.

Trong vài tuần qua, Pakistan đã bắn thử nghiệm một phi đạn đạn đạo mà họ cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Ấn Độ. Islamabad cũng tiết lộ những vũ khí hạt nhân mới được gọi là vũ khí “chiến thuật,” như phi đạn đạn đạo Nasr với tầm bắn chỉ có 60 kilomét.

Giới hữu trách Pakistan nhất mực cho rằng những vũ khí hạt nhân này góp phần duy trì hoà bình khu vực vì đã ngăn chận một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Ấn Độ.

Đại sứ Raghavan bác bỏ những gợi ý cho rằng cuộc thương thuyết hạt nhân giữa Iran và Mỹ là một gương mẫu để Ấn Độ và Pakistan noi theo.
Đại sứ Raghavan bác bỏ những gợi ý cho rằng cuộc thương thuyết hạt nhân giữa Iran và Mỹ là một gương mẫu để Ấn Độ và Pakistan noi theo.

Tuy nhiên, Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan, ông T.C. A Raghavan bác bỏ lập luận đó. Ông nói với đài VOA rằng tăng cường kho vũ khí hạt nhân không phải là một cách để xây dựng lòng tin.

Ông Raghavan nói: "Tôi tin rằng cách thức để tiến tới là giải quyết các vấn đề về sự tin tưởng chính trị, giải quyết những vấn đề gây lo ngại liên quan tới chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Gia tăng số lượng vũ khí hoặc tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang hoặc tăng cường những sức mạnh mà mình có thể sử dụng không thực sự giải quyết những vấn đề có tính chất cơ bản này."

Đại sứ Raghavan cũng bác bỏ những gợi ý cho rằng cuộc thương thuyết hạt nhân giữa Iran và Mỹ là một gương mẫu để Ấn Độ và Pakistan noi theo và làm việc chung với nhau để giảm bớt những mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân trong vùng Nam Á.

Ông Raghavan cho biết: "Tôi không rõ đó có phải là một sự so sánh thích hợp hay không, bởi vì Ấn Độ và Pakistan đã thảo luận các vấn đề này trong khuôn khổ song phương trong một thời gian khá lâu và không phải là những cuộc thảo luận này không mang lại kết quả nào cả. Đương nhiên là cuộc thảo luận này cần phải tiếp tục, và nó đang được thực hiện."

Đại tướng hồi hưu Khalid Kidwai của Pakistan cho biết qua việc phát triển “vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn,” Islamabad đã phá vỡ chiến lược của Ấn Độ.
Đại tướng hồi hưu Khalid Kidwai của Pakistan cho biết qua việc phát triển “vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn,” Islamabad đã phá vỡ chiến lược của Ấn Độ.

Hồi đầu tháng này chính phủ Pakistan loan báo họ đang điều đình với Trung Quốc để mua 8 chiếc tàu ngầm có thể được trang bị vũ khí hạt nhân.

Những diễn tiến mới này làm gia tăng những sự lo ngại về mối rủi ro hạt nhân và về chương trình hạt nhân của Pakistan mà các nhà phân tích tin là kho vũ khí hạt nhân gia tăng nhanh nhất thế giới.

Các giới chức Pakistan biện minh cho sự tăng cường sức mạnh hạt nhân bằng cách viện dẫn chủ thuyết của Ấn Độ có tên “Cold Start” hay “Bắt Đầu Lạnh” mà họ nói là để tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng bằng vũ khí qui ước để trả đũa bên trong lãnh thổ Pakistan trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công khủng bố khác giống như vụ tấn công ở Mumbai. Chiến lược đó có mục tiêu chính là ngăn không cho quân đội Pakistan sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đại tướng hồi hưu Khalid Kidwai của Pakistan cho biết qua việc phát triển “vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn,” Islamabad đã phá vỡ chiến lược của Ấn Độ. Ông phát biểu như sau tại một cuộc hội thảo về an ninh hạt nhân do Quỹ Carnegie tổ chức hồi gần đây ở Washington.

Pakistan bắn thử nghiệm một phi đạn đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Ấn Độ.
Pakistan bắn thử nghiệm một phi đạn đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Ấn Độ.

Ông Kidwai nói: "Chúng tôi không thể không lưu ý tới những hiệu ứng của chủ thuyết tấn công đó. Vì thế cho nên, để răn đe sự triển khai của những cuộc hành quân dựa theo chủ thuyết đó, Pakistan đã quyết định phát triển nhiều loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và có sức công phá thấp. Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ là qua việc đưa các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật vào kho vũ khí của mình và vào cuộc tranh luận về sự ổn định chiến lược, chúng tôi đã ngăn chận những con đường dẫn tới những cuộc hành quân lớn của phía bên kia."

Tướng Kidwai nói rằng chương trình hạt nhân của Pakistan “chỉ để đối phó với Ấn Độ.” Ông cũng cho biết phi đạn Shaheen 3 mà Pakistan mới thử nghiệm là có mục đích làm cho Ấn Độ không còn khả năng thực hiện một đợt tấn công thứ nhì bằng vũ khí hạt nhân.

Người ta tin rằng loại phi đạn có thể mang đầu đạn hạt nhân này có tầm bắn 2.750 kilomét. New Dehli nhiều lần nói rằng việc sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào của Pakistan cũng sẽ gặp phải “một sự trả đũa ồ ạt.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG