Tổng thư ký ASEAN Surin cho biết ông nghĩ rằng các cuộc họp sẽ tập trung vào những vấn đề như thứ hạng tín dụng của Hoa Kỳ bị hạ thấp, tình trạng dao động mạnh của các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới và mối quan tâm về vấn đề là những dấu hiệu trì trệ kinh tế của những phần còn lại trên thế giới sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với Á châu.
Ông Surin nói: "Điều đó sẽ có những tác động tâm lý. Nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đối với ý muốn đầu tư, đối với sự khả dụng của các nguồn lực và đối với hoạt động tiêu thụ. Niềm tin của người tiêu thụ ở Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chúng tôi, ít nhất là về trung hạn và dài hạn. Có lẽ chúng tôi có thể xoay sở trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn chúng tôi vẫn cần tới sự phát triển tốt đẹp của nền kinh tế lớn nhất thế giới."
Lượng đầu tư nước ngoài vào các nước Đông Nam Á đã tăng hơn 100% từ 37 tỉ đô la trong năm 1009 lên tới 75 tỉ đô la trong năm 2010. Ông Surin cho biết tuy sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Nhật Bản và các nước Tây phương sẽ phương hại tới sự tăng trưởng ở Á châu, nhưng lượng đầu tư giữa các nước trong khối ASEAN cũng vượt mức 12 tỉ đô la trong năm 2010. Ông cho biết ông trông đợi các vị bộ trưởng kinh tế trong vùng sẽ tập trung nỗ lực vào việc cải thiện công cuộc đầu tư nội khối ASEAN, giảm thiểu các rào cản mậu dịch ở Á châu và bớt lệ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản và Tây phương.
Ông Surin cho biết: "Có những số liệu giúp cho chúng tôi cảm thấy phấn khởi. Nhưng chúng tôi cũng gặp phải một thách thức là làm thế nào để duy trì xu thế này trong bối cảnh của những sự việc đã xảy ra ở Nhật Bản, đang xảy ra ở Hoa Kỳ, và vừa xảy ra hồi gần đây ở khu vực sử dụng đồng euro. Tôi nghĩ rằng câu trả lời nằm ở chỗ thị trường khu vực, hợp nhất khu vực và hợp tác khu vực."
Khối ASEAN trước đây từng xem cộng đồng kinh tế Liên hiệp Châu Âu như một kiểu mẫu cho các kế hoạch hợp nhất kinh tế của mình. Tuy nhiên ông Surin cho biết những kế hoạch như vậy sẽ bị hạn chế trong ngắn hạn vì sự khác biệt về mức độ phát triển kinh tế và chính trị của những nước trong hiệp hội như Singapore và Miến Điện.
Ngoài ra, ông còn cho biết rằng những kinh nghiệm mới đây ở khu vực sử dụng đồng euro, nơi mà các nền kinh tế vững mạnh như Đức phải ra tay cứu giúp các hội viên gặp khó khăn như Hy Lạp, có thể khiến các thành viên ASEAN lo ngại về độc lập kinh tế nếu khối này áp dụng những biện pháp như sử dụng một đồng tiền chung.
Ông Surin nói tiếp: "Nếu có một bài học cho chúng tôi từ việc hợp nhất của khối euro thì bài học đó là hợp nhất cũng có thể có tính chất tiêu cực – chúng tôi có thể bị phô nhiễm với những vấn đề của nhau, vấn đề khó khăn của một nước có thể lôi kéo mọi nước xuống cùng một cái hố. Vì vậy nếu chúng tôi muốn tiến bước trên con đường hợp nhất, chúng tôi phải hết sức cẩn thận để bảo đảm là chúng tôi sẽ có được những biện pháp để lo liệu cho mặt trái của công cuộc hợp nhất."
Hội nghị kinh tế ở Indonesia do khối ASEAN tổ chức sẽ bao gồm các cuộc họp của Hội nghị thường niên lần thứ 24 của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN, Hội nghị thường niên lần thứ 14 của Hội đồng Đầu tư Khu vực ASEAN và những tổ chức khác hỗ trợ cho sự hợp nhất kinh tế của 600 triệu sinh sống trong vùng Đông Nam Á.
Khó khăn kinh tế Mỹ, EU làm ASEAN tăng công cuộc hợp nhất khu vực
Các vị bộ trưởng kinh tế của các quốc gia Đông Á hôm nay nhóm họp ở Indonesia để bàn về tác động của tình hình kinh tế Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản có thể xuống dốc. Các giới chức này đang dự cuộc họp thường niên về thương mại, mậu dịch và đầu tư do hiệp hội ASEAN tổ chức. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết những khó khăn kinh tế của phần còn lại của thế giới sẽ thúc đẩy cho công cuộc hợp nhất kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Từ Jakarta, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1