Đường dẫn truy cập

Chia cắt gia đình di dân bất hợp pháp: thách thức đối với chính quyền Trump


Chính sách di dân chia cắt gia đình của chính quyền Trump gây phẫn nộ
Chính sách di dân chia cắt gia đình của chính quyền Trump gây phẫn nộ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư ngày 20/6 đã lùi bước và từ bỏ chính sách chia cắt những di dân trẻ em với cha mẹ của các em tại biên giới Mỹ-Mexico sau khi những hình ảnh về những thiếu niên bị nhốt giữa các hàng rào sắt đã gây phẫn nộ ở trong nước và trên thế giới.

Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cho các gia đình di dân được giam cùng nhau trong thời gian tiến trình pháp lý được xúc tiến nếu họ bị bắt gặp vượt biên vào nước Mỹ bất hợp pháp

Mặc dù điều này có nghĩa là Mỹ đã chấm dứt một chính sách bị chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền cho đến các lãnh đạo doanh nghiệp, nó cũng có nghĩa là những trẻ em di dân sẽ bị giam vô thời hạn.

Chính quyền Trump vẫn phải đối mặt với các thách thức pháp lý do một sắc lệnh của tòa án hạn chế thời gian giới chức di trú có thể giam giữ người vị thành niên là tối đa 20 ngày. Mặt khác chính quyền của ông đối mặt với các chỉ trích về các chính sách di trú cứng rắn vốn có vai trò trung tâm trong chiến dịch tranh cử của ông hồi năm 2016 và trong chính quyền của ông hiện nay.

Các quan chức trong chính quyền không thể nói rõ liệu việc chia cắt gia đình sẽ chấm dứt ngay lập tức hay chừng nào và bằng cách nào các gia đình bị chia cắt có thể được tái hợp.

“Vẫn còn quá sớm và chúng tôi đang chờ chỉ thị mới về vấn đề này,” ông Brian Marriott, phát ngôn nhân của Cục quản lý về Gia đình và Trẻ em của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, nói.

“Đoàn tụ vẫn luôn là mục tiêu cuối cùng của những người được tin tưởng giao cho nhiệm vụ chăm sóc những em nhỏ không có người lớn đi cùng và chính quyền đang hướng đến mục tiêu đó,” ông nói thêm.

Sắc lệnh của ông Trump, một động thái đảo chiều rất hiếm thấy ở ông ấy, đưa các bậc cha mẹ có con nhỏ lên tuyến đầu của tiến trình pháp lý xử lý di dân bất hợp pháp. Tuy nhiên, nó không chấm dứt chính sách ‘không khoan nhượng’ đã kéo dài được 10 tuần vốn yêu cầu truy tố những di dân vượt biên bất hợp pháp theo điều luật hình sự về nhập cảnh của nước Mỹ.

“Mục đích là để các gia đình được ở cùng nhau đồng thời đảm bảo rằng chúng ta có một đường biên giới rất mạnh,” Tổng thống Trump phát biểu khi ông ký sắc lệnh hành pháp trong một cuộc họp được sắp xếp vội vã ở Phòng Bầu dục.

Các đoạn phim cho thấy trẻ em ngồi giữa những chiếc lồng sắt và một đoạn thâu âm trẻ em khóc ngất đã gây ra giận dữ khi chúng được phát sóng trên toàn cầu.

Chính phủ các nước Trung Mỹ và Mexico hoan nghênh quyết định của ông Trump hôm 20/6 nhưng họ nói rằng họ vẫn canh chừng để đảm bảo rằng quyền lợi của công dân nước họ được tôn trọng.

Là một người rất hay theo dõi tin tức trên truyền hình, Tổng thống Trump đã nhận ra rằng việc chia cắt gia đình đang ngày càng trở thành một vấn đề chính trị, Reuters dẫn các nguồn tin Nhà Trắng cho biết.

Phu nhân của ông Trump, bà Melania Trump, trong các cuộc nói chuyện riêng với Tổng thống, đã thúc giục ông làm điều gì đó để chấm dứt khủng hoảng nhân đạo, một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Trong phòng Bầu dục, ông Trump nói ông cũng nghe lời khuyên của con gái và là trợ lý của ông, cô Ivanka Trump, về chính sách này.

“Tình trạng này đã tác động đến tình cảm của Ivanka mãnh liệt. Vợ tôi cũng cảm xúc rất mãnh liệt. Tôi cũng có cảm xúc mạnh mẽ. Tôi nghĩ bất cứ ai có trái tim đều có cảm xúc mạnh mẽ trước tình cảnh đó,” ông Trump nói.

Động thái hôm 20/6 là sự đảo chiều chính sách lớn nhất của ông Trump kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng Giêng năm 2017. Vốn có bản tính thích đấu tranh và thích sự hỗn loạn, ông Trump thường đào sâu vào các chính sách gây tranh cãi thay vì xuống nước.

Ông tìm cách đổ lỗi cho những người Dân chủ về chính sách chia cắt gia đình và buộc họ phải nhượng bộ, bao gồm đồng ý chi ngân sách cho một bức tường dọc biên giới với Mexico mà ông mong muốn. Chỉ trong vòng một vài ngày qua, ông đã nhấn mạnh rằng trong vấn đề chia cắt gia đình ông bị luật pháp bó tay bó chân mặc dù chính quyền của ông thực thi chính sách ‘không khoan nhượng’.

Tuy nhiên mức độ lên án việc chia cắt gia đình từ bên trong cũng như bên ngoài Tòa Bạch Ốc cuối cùng đã áp đảo Tổng thống Trump.

Ông Gene Hamilton, cố vấn của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, nói với các phóng viên rằng Bộ Tư pháp sẽ tìm cách thay đổi cách dàn xếp năm 1997 được gọi là thỏa thuận Flores, vốn đưa việc giới chức di trú bắt giữ trẻ vị thành niên trở thành một chính sách trên toàn quốc.

Tòa án phúc thẩm liên bang đã diễn giải thỏa thuận Flores là cho phép các quan chức di trú bắt giữ các gia đình chỉ trong vòng 20 ngày.

Pratheepan Gulasekaram, một giáo sư về luật di trú tại Đại học Santa Clara, nói rằng không có khả năng tòa án liên bang Los Angeles với thẩm quyền về thỏa thuận Flores sẽ đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về việc điều chỉnh nó.

“Cần phải có những thay đổi lớn trong hoàn cảnh thì mới dẫn đến thay đổi trong thỏa thuận,” ông Gulasekaram nói. Thẩm phán trước đó đã từng bác bỏ yêu cầu sửa đổi sắc lệnh trước làn sóng di dân từ các nước Trung Mỹ tăng cao.

“Nếu điều đó không đủ để thay đổi thỏa thuận thì không rõ tại sao mà bất cứ điều gì lại đủ điều kiện để thay đổi,” ông giải thích.

Việc đảo chiều của ông Trump cũng gây ra một loạt những vấn đề đau đầu cho chính quyền của ông Trump, chẳng hạn như họ phải chật vật tìm chỗ để cho các gia đình được giam giữ cùng với nhau, có khả năng là trong thời gian dài, và làm sao để đoàn tụ những gia đình đã bị chia cắt.

“Sắc lệnh hành pháp này chỉ thay thế khủng hoảng này bằng một cuộc khủng hoảng khác. Trẻ em không hề thuộc về nhà tù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả khi được giam chung với bố mẹ. Nếu tổng thống cho rằng giam giữ các gia đình trong nhà tù vô thời hạn là điều mà công chúng đòi hỏi, thì ông đã lầm to,” ông Anthony Romero, giám đốc điều hành Liên hiệp các Quyền tự do Công dân Mỹ, cho biết trong một thông cáo.

Những người làm cha mẹ do giới chức biên giới chuyển lên để truy tố đang được giam giữ trong các nhà tù liên bang, trong khi con cái họ vẫn còn bị giam ở các cơ sở của Cơ quan bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ hoặc được chuyển đến các cơ sở do Văn phòng tái định cư Người tỵ nạn, một cơ quan thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh, quản lý.

Cơ quan bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ hôm 19/6 cho biết có đến 2.342 trẻ em đã bị chia cắt khỏi ba mẹ tại biên giới trong giai đoạn từ 5/5 và 9/6.

VOA Express

XS
SM
MD
LG