Đường dẫn truy cập

Chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập RIMPAC


Tàu khu trục tên lửa, Hải Khẩu (171) của Hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục tên lửa, Hải Khẩu (171) của Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc lần đầu tiên phái chiến hạm tham gia RIMPAC, cuộc thao dượt hải quân quốc tế do Hoa Kỳ đứng ra tổ chức hai năm một lần ở Thái bình dương. Theo tường thuật của thông tín viên Natalie Liu của đài VOA, truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả chuyến đi của các chiến hạm này là “một cuộc phiêu lưu đi sâu vào hang cọp.”

47 chiến hạm, cộng với 6 chiếc tàu ngầm, hơn 200 chiếc máy bay và 25,000 binh sĩ của hơn 20 nước sẽ tham gia cuộc thao dượt RIMPAC năm nay.

Truyền thông Trung Quốc cho biết 4 chiếc tàu của hải quân Trung Quốc – gồm có một khu trạm hạm trang bị phi đạn điều hướng, một hộ tống hạm gắn phi đạn điều hướng, một tàu vận tải đa dụng và một tàu bệnh viện có tên là Tàu Hòa bình, đã rời cảng hôm thứ hai.

Trung Quốc cũng phái hai máy bay trực thăng, một toán người nhái và một đơn vị lực lượng đặc biệt, với số binh sĩ tổng cộng 1.100 người.

Các chiếc tàu của Trung Quốc đang trên đường tới đảo Guam. Tại đó, họ sẽ tập họp với các chiến hạm của Hoa Kỳ, Singapore và Brunei để cùng nhau lên đường tới Hawaii, là nơi cuộc thao dượt sẽ diễn ra từ ngày 26 tháng 6 cho tới ngày 1 tháng 8.

Cuộc thao dượt RIMPAC, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1971, dưới sự điều phối của Đệ Thất hạm Đội của Mỹ, là cuộc diễn tập hải quân đa quốc lớn nhất thế giới.

Lần trước, Nga đã phái 3 chiến hạm tham gia RIMPAC lần đầu tiên. Nhưng cuộc thao dượt lần này không có sự tham gia của Moscow.

Hoa Kỳ mô tả RIMPAC là “một cơ hội huấn luyện độc đáo” để giúp cho các nước cùng nhau xây dựng và duy trì những mối quan hệ hợp tác, những mối quan hệ vô cùng quan trọng cho an toàn và an ninh hàng hải.

Hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc nói rằng sự tham gia của Bắc Kinh trong cuộc thao dượt RIMPAC là “một sứ mạng ngoại giao quân sự quan trọng”, được thực hiện theo lệnh của Uûy ban Quân sự Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và là “một bước quan trọng trong việc thực thi mối quan hệ kiểu mới giữa quân đội Trung Quốc với quân đội Hoa Kỳ.”

Tường thuật của Tân Hoa Xã còn nói rằng sự tham gia cuộc thao dượt này là “một chuyến đi sâu vào hang cọp để chứng tỏ sự tự tin của Trung Quốc.”

Ông Scott Harold, một nhà phân tích chính trị của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation ở Washington, nói rằng tường thuật của Tân Hoa Xã nêu bật tính chất phức tạp của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông cho rằng đó là một dấu hiệu cho thấy sự không tin tưởng của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đối với Washington.

Những người chỉ trích xu hướng thiên về đối thoại với Trung Quốc và quân đội Trung Quốc của chính quyền Obama không tin là sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc thao dượt RIMPAC sẽ gia tăng tính chất minh bạch hay thiện chí hợp tác của Bắc Kinh.

Ông Rick Fisher, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Thẩm định Chiến lược Quốc tế ở Washington, lo ngại là sự hiện diện của chiến hạm và binh sĩ Trung Quốc tại cuộc thao dượt này sẽ giúp cho Bắc Kinh có được rất nhiều thông tin tình báo quan trọng, vì họ sẽ có thể quan sát những cách thức giao tiếp giữa hải quân Hoa Kỳ với các nước đồng minh. Ông Fisher nói rằng đó là những thông tin vô cùng hữu ích trong trường hợp xảy ra những vụ xung đột quân sự.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG