Đường dẫn truy cập

Trung Quốc bênh vực chính sách giao tiếp với châu Phi


Tuần tới Trung Quốc sẽ tiếp tổng thống Sudan al-Bashir, người đang bị Tòa án Tội phạm Quốc tế truy tố về các tội ác chiến tranh
Tuần tới Trung Quốc sẽ tiếp tổng thống Sudan al-Bashir, người đang bị Tòa án Tội phạm Quốc tế truy tố về các tội ác chiến tranh

Các giới chức Trung Quốc bênh vực đường lối giao tiếp với châu Phi của họ, và nói rằng các lệnh cấm vận và trừng phạt Sudan cùng các chính phủ tàn ác khác ở châu Phi không có hiệu quả. Cựu đại sứ Trung Quốc ở vùng Darfur bị chiến tranh xâu xé, ông Lưu Quý Kim nói rằng Trung Quốc đang đề xuất một thể thức giao tiếp mới với châu Phi dựa trên bình đẳng và lợi ích hỗ tương. Tuần tới Trung Quốc sẽ tiếp tổng thống Sudan, người đang bị Tòa án Tội phạm Quốc tế truy tố về các tội ác chiến tranh.

Đặc sứ Trung Quốc về châu Phi vụ, ông Lưu Quý Kim, nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không lập lại những lỗi lầm của các cường quốc thực dân trước đây ở châu Phi và sẽ xây dựng các di sản lâu đời có lợi cho người dân thường Phi châu.

Ông Lưu nói chuyện với các phóng viên trước chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới của Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir, người đang bị Tòa án Tội phạm Quốc tế truy nã về các cáo buộc diệt chủng, phạm các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh ở vùng Darfur miền tây Sudan.

Ông Lưu bác bỏ những lời cho rằng Bắc Kinh đang hành động một cách vô trách nhiệm khi mời ông al-Bashir, và nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang đặt áp lực lên cả hai bên ở Sudan để đòi chấm dứt vụ bột phát bạo lực mới nhất đe dọa đến một hòa ước lịch sử.

Ông nói: “Nếu quý vị thực sự mong muốn giải quyết các vấn đề ở đó, các cuộc xung đột ở đó, ngay tại chỗ, chỉ bằng cách viện tới các cuộc cấm vận và chế tài thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Điều đó đã được chứng minh qua nhiều bằng cớ. Đó là lý do vì sao Trung Quốc có một hình thức giao tiếp mới với châu Phi - và đó là xây dựng trên một cách sắp xếp bình đẳng và lợi ích hỗ tương.”

Miền nam Sudan giàu về tài nguyên dầu khí sẽ tách khỏi miền bắc vào ngày 9 tháng 7 để thành lập một quốc gia độc lập, và Trung Quốc đã bắt đầu giao tiếp với chính quyền mới.

Trung Quốc cũng là nước lớn nhất cung cấp vũ khí cho Sudan. Tổng thống al-Bashir dự trù sẽ thảo luận các vụ đầu tư của Trung Quốc tại Sudan trong chuyến thăm vào tuần tới.

Cuộc họp báo của ông Lưu hôm qua diễn ra sau những lời chỉ trích mới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nhắm vào Trung Quốc về chính sách của nước này đối với châu Phi.

Tuần trước, bà Clinton đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Phi châu ở Zambia về các mối nguy hại của “chủ nghĩa thực dân mới” do Trung Quốc nhen nhúm.

Bà nói bà lo ngại rằng các tập tục đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi vẫn không luôn luôn theo đúng các nguyên tắc quốc tế về sự minh bạch và quản trị tốt.

Bà cũng nói trong khi theo đuổi các lợi ích kinh doanh Trung Quốc không luôn luôn sử dụng tài năng của người dân châu Phi.

Ông Lưu mô tả lời cảnh báo của bà Clinton là vô lý và vô căn cứ.

Ông nói: “Chúng tôi tìm cách cố vấn cho các nước Phi châu hay tìm cách đưa ra các lý lẽ về những gì họ cần phải làm. Chúng tôi cố gắng cùng phân tích tình hình, tìm cách giao tiếp với họ trên cơ sở bình đẳng. Tôi nghĩ đôi khi phương pháp này có hiệu quả, nêu không phải là luôn luôn, nhưng nó có hiệu quả,”

Ông Kim nói đầu tư của Trung Quốc nay chiếm tới 20% tổng sản phẩm quốc dân của châu Phi.

Kim ngạch mậu dịch giữa Trung Quốc và châu Phi tăng từ 20 tỷ đôla trong năm 2001 lên đến 120 tỷ trong năm 2009, trong khi đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu lục này tăng từ dưới 500 triệu vào năm 2003 lên tới hơn 9 tỷ đôla vào năm 2009.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG