Đường dẫn truy cập

TQ đón tiếp nghi can tội ác chiến tranh Tổng thống Sudan al-Bashir


Tổng thống Sudan Omar al-Bashi tới phi trường Quốc tế Bắc Kinh, ngày 28/6/2011. Ông Bashir đang bị Tòa án hình sự Quốc tế truy nã về những cáo buộc về tội ác chiến tranh tại Darfur
Tổng thống Sudan Omar al-Bashi tới phi trường Quốc tế Bắc Kinh, ngày 28/6/2011. Ông Bashir đang bị Tòa án hình sự Quốc tế truy nã về những cáo buộc về tội ác chiến tranh tại Darfur

Tổng Thống Sudan Omar al-Bashir đang thăm Trung Quốc để mở các cuộc đàm phán với các giới chức hàng đầu nước này. Trong một cuộc họp báo sau khi ông Bashir đến nơi hôm nay, các giới chức Trung Quốc đã bênh vực chuyến đi thăm của nhà lãnh đạo đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã về những cáo buộc về tội ác chiến tranh. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Tổng Thống Sudan Omar al-Bashir đến Bắc Kinh vào sáng sớm hôm nay, gần một ngày trễ hơn so với lịch đã định lúc ban đầu.

Các giới chức Sudan nói chiếc phi cơ của ông đã đổi hướng trên không phận Turkmenistan trong khi đang trên đường bay đến Trung Quốc. Trong khi hãng tin của nhà nước Sudan trích lời một giới chức hàng đầu nói ông tin rằng giấy phép để thực hiện chuyến bay đầu tiên đã bị rút lại vì áp lực của Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc đang cố tình làm giảm nhẹ tầm quan trọng của vụ việc này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ghi nhận vụ trì hoãn này, tuy nhiên ông nói đó là do “những vấn đề kỹ thuật.”

Ông Hồng Lỗi nói rằng việc ông al-Bashir đến trễ, không ảnh hưởng gì đến các cuộc họp với giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Ông cho biết chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ gặp đối tác Sudan vào ngày mai.

Tòa án Hình sự Quốc tế đã ra trát để bắt giữ ông Bashir về những cáo buộc về tội ác chiến tranh tại Darfur.

Trát bắt giữ này là trát đầu tiên dành cho một nguyên thủ quốc gia còn đang tại chức, và các nhóm bênh vực nhân quyền đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc hãy bắt giữ nhà lãnh đạo Sudan.

Ông Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc không phải là một thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, cho nên không đưa ra phán xét nào về trát bắt giữ. Nhưng ông nói thêm rằng Bắc Kinh đã chứng kiến cảnh nhiều nước đã tiếp đón ông Bashir một cách nồng hậu, thế cho nên Trung Quốc cũng làm như thế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả Sudan là một “nước hữu nghị” và nói rằng chuyến đi Trung Quốc của nhà lãnh đạo Sudan, là “rất hữu ly”ù, và “không có gì đáng chỉ trích”.

Ông Hồng Lỗi nói Trung Quốc tin rằng chuyến đi này cũng sẽ giúp đẩy tiến trình hòa bình giữa hai miền Nam và Bắc Sudan, và vấn đề Darfur.

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc tường trình rằng Bắc Kinh đang tìm cách đứng ra làm trung gian điều giải trong các cuộc hòa đàm giữa hai miền Nam và Bắc Sudan. Quốc gia Phi Châu này sẽ chính thức chia đôi thành hai nước riêng rẽ trong tháng tới. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, ông Bashir ca ngợi Trung Quốc là “một đối tác thực sự, và trung thành”, đã giúp Sudan giảm thiểu tác động của các biện pháp cấm vận kinh tế do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Các công ty dầu hỏa Tây phương đã bị hạn chế trong các hoạt động ở Sudan vì những biện pháp chế tài áp đặt lên nước này vì các cuộc giao tranh ở Darfur. Bất chấp những biện pháp hạn chế đó, Trung Quốc trong thời gian qua, vẫn tài trợ, và thực hiện nhiều dự án tại Sudan, đặc biệt là những hoạt động nhằm giúp Sudan khai thác dầu hỏa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG