Đường dẫn truy cập

Crimea tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì đường dây điện bị nổ tung


Xe cứu thương đậu bên ngoài một bệnh viện ở Sevastopol, Crimea, ngày 22 tháng 11, 2015.
Xe cứu thương đậu bên ngoài một bệnh viện ở Sevastopol, Crimea, ngày 22 tháng 11, 2015.

Crimea đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi những đường dây điện chính từ Ukraine bị cho nổ tung, khiến hơn 1,6 triệu người trên bán đảo mà Nga sáp nhập này chìm trong bóng tối sau vụ tấn công thứ hai trong hai ngày.

Hiện chưa rõ ai đã cho nổ tung những cột tháp điện, nhưng một thượng nghị sĩ Nga nói rằng đây là một "hành động khủng bố" và ám chỉ những phần tử dân tộc chủ nghĩa người Ukraine gây ra.

Những vụ nổ làm hư hại hai cột tháp truyền tải điện ở Ukraine sáng sớm Chủ nhật và hai cột tháp khác vào ngày thứ Sáu, Bộ Năng lượng Nga cho biết.

Đến tối Chủ nhật nguồn cung ứng điện đã được khôi phục cho hơn một phần tư dân số, phần lớn là ở những thành phố lớn, nhờ sử dụng máy phát điện turbine chạy gas lưu động. Nhưng nguồn cung ứng nước cho nhiều tòa nhà cao tầng vẫn chưa có và đường truyền Internet cáp và di động vẫn chưa được nối lại.

Các nhà hoạt động người Ukraine kêu gọi phong tỏa kinh tế bán đảo Biển Đen này đã tìm cách ngăn cản công tác sửa chữa vào ngày thứ Bảy, nhưng rút lui sau khi đụng độ với cảnh sát.

Crimea, Ukraine
Crimea, Ukraine

Crimea sáp nhập vào Nga năm ngoái, nhưng lệ thuộc vào Ukraine cho hầu hết những nguồn cung ứng điện của mình.

Cảnh sát Ukraine cho biết chưa rõ ngay lập tức ai chịu trách nhiệm về những vụ tấn công.

Hãng tin UNIAN của Ukraine loan tin đầu tiên hôm thứ Sáu rằng hai trong số bốn đường dây điện chính đã bị đứt sau khi một thiết bị không xác định phát nổ.

Trong một diễn biến riêng biệt, Kênh 5 của Ukraine loan tin cảnh sát Ukraine đã bao vây một nhóm các nhà hoạt động người Tatar gần đường dây bị đứt. Bản tin, dẫn lời Lenur Islyamov, người đứng đầu một nhóm ủng hộ phong tỏa Crimea, mô tả tình hình tại địa điểm đường dây điện bị đứt là "căng thẳng."

Quốc hội Nga hồi tháng 3 năm 2014 đã bỏ phiếu chấp thuận với tỉ lệ áp đảo đối với việc sáp nhập lãnh thổ này mà phần lớn nói tiếng Nga, chỉ vài tuần sau khi những cuộc biểu tình của người Ukraine ủng hộ phương Tây ở Kiev lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych.

Vài tuần sau đó, thành phần ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine phát động một cuộc nổi loạn chống lại sự cai trị của Kiev đưa tới một loạt những biện pháp trừng phạt thương mại và du hành đối với nhiều quan chức chính yếu của Nga gần gũi với Tổng thống Vladimir Putin.

Những biện pháp trừng phạt theo lịch sẽ đáo hạn vào tháng 1. Nhưng hãng tin Reuters hôm thứ Bảy cho biết các nhà lãnh đạo phương Tây họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý gia hạn đến tháng 7 năm 2016.

Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9 nói rằng gần 8.000 người, hầu hết là thường dân, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG