Khi cô dâu chú rể làm lễ trước bàn thờ gia tiên hoặc trao đổi lời nguyện ước một đời có nhau trước mặt vị linh mục hay mục sư trong nhà thờ, tất cả đều mang một hy vọng là họ sẽ sống bên nhau trọn đời. Thế nhưng đối với nhiều cặp vợ chồng thời nay, thực tế đã không diễn ra như họ mong ước. Bác sỹ Michael Gomez, chuyên gia tâm lý và bệnh tâm thần, cho biết về tỉ lệ ly dị, nói chung, tại Hoa Kỳ:
"Thống kê cho biết con số ly dị đã giảm trong 4 năm qua. Vào thời điểm hiện nay, người ta ước tính khoảng 1/3 các cặp vợ chồng sẽ ly dị trong vòng 20 năm đầu của hôn nhân."
Theo những hiểu biết thông thường thì những nguyên nhân chính thường đưa đến ly dị là thiếu thốn hay tranh cãi về tiền bạc; nhiếc móc, chửi mắng, hoặc đánh đập, hành hạ thể chất người phối ngẫu; và kế đến là ngoại tình. Đây là những nguyên nhân xảy ra cho rất nhiều vụ ly dị thuộc tất cả mọi tầng lớp xã hội, như báo chí mới đây đưa tin ồn ào về vụ ly thân giữa cựu thống đốc bang California, ông Schwarzenegger và vợ ông, bà Maria Shriver, do ông đã có con rơi với một người giúp việc nhà từ hơn một chục năm nay.
Những năm đầu của hôn nhân là quãng thời gian nhiều thử thách nhất, theo như những gì mà mọi người vẫn nghĩ từ trước đến nay và nếu như hôn nhân tồn tại được sau những năm đầu thử thách thì có thể nó sẽ bền vững. Bác sỹ Gomez cho biết:
"Theo như thống kê mà tôi đã đọc thì đúng, 7 năm đầu tiên của hôn nhân là những năm khó khăn nhất vì những lý do như thiếu thốn tiền bạc hay khác biệt ý kiến trong cách nuôi dạy con cái."
Nhưng giờ đây một số cặp vợ chồng đã chung sống mấy chục năm lại đưa nhau ra tòa ly dị, và tỉ lệ này đang trên đà gia tăng ở nước Mỹ. Người ta đã đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích hiện tượng này. Theo bác sỹ Gomez, hiện chưa có những lý lẽ nào được coi là hoàn toàn vững chắc, cụ thể nhất để giải thích, nhưng có ý kiến cho rằng có thể thế hệ baby boomers, lớn lên trong thập niên 1960, thế hệ được nuôi dưỡng với ý niệm cho rằng họ sẽ tự tạo lấy hạnh phúc và theo đuổi con đường mà họ vạch ra cho chính họ trên cõi đời này là một trong những nguyên nhân của ly dị khi họ không còn cảm thấy hạnh phúc trong hôn nhân nữa.
Hầu hết các baby boomers, nay đã hoặc sắp nghỉ hưu, và phụ nữ thuộc thế hệ này, nói chung, có học thức và độc lập. Họ có thể kết thúc một cuộc hôn nhân mặc dù đã chung sống với người phối ngẫu đến 20, 30 hay 40 năm. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp Hội những Người Hưu Trí tại Hoa Kỳ AARP, có đến 66% những vụ ly dị trong giới người lớn tuổi là do người vợ đứng đơn. Bác sỹ Gomez giải thích:
"Nhất là phụ nữ, có thể họ thực sự cảm thấy là đã âm thầm chịu đựng quá nhiều để hy sinh cho con cái, và cái thời kỳ chuyển tiếp cho một cuộc ly dị dường như là sau khi đàn con họ đã rời khỏi nhà vào đại học ở xa hay đã thành gia thất, dọn ra riêng. Khi đó họ phải đối mặt với sự trống vắng và họ nhận ra rằng họ và người phối ngẫu chẳng có gì chung, nói chuyện với nhau cũng không được, họ rất chán nản, và theo một nghĩa nào đó họ hận là đã phải chịu đựng quá lâu chỉ vì muốn cho con cái có một gia đình với đầy đủ cha mẹ."
Nhận xét về chiều hướng ly dị tại nước Mỹ, bác sỹ Gomez tiên liệu là tỉ lệ ly dị sẽ tiếp tục giảm trong giới trẻ và tăng trong giới người cao niên. Ông nói:
"Tôi tiên liệu là tỉ lệ ly dị sẽ giảm bớt theo thời gian. Lý do mà tôi tin như vậy là vì theo thống kê, hiện nay hầu hết mọi người chờ đợi lâu hơn rồi mới lập gia đình. Thế hệ baby boomers thực sự đã lập gia đình sớm, vừa qua khỏi tuổi đôi mươi, rồi có con ngay. Giờ đây dường như người dân Mỹ chờ đợi trung bình thêm 4 hay 5 năm nữa, và như vậy họ không đưa ra những quyết định sớm khiến họ phải hối tiếc vào sau này trong đời. Đó là lý do để giải thích tại sao tỉ lệ ly dị trong thế hệ trẻ hơn lại thấp hơn thế hệ baby boomers."
Theo tin trên trang web của cơ quan truyền thông CNN, một phúc trình của dự án Xã Hội và Thành phần Dân Số của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew công bố trong năm ngoái cho thấy những cặp vợ chồng có trình độ đại học dễ chán người phối ngẫu hơn là những người chỉ tốt nghiệp trung học.
Cũng theo phúc trình này những người lập gia đình sớm có tỉ lệ ly dị cao hơn. Và cũng khá lạ lùng, bản phúc trình ghi nhận rằng những cuộc hôn nhân diễn ra trong thập niên 1950 lâu bền hơn là trong những thập niên 1960, 1970 và 1980.
Trong số những cặp nổi tiếng chung sống với nhau một thời gian dài đã ly thân gây ngạc nhiên cho dư luận phải kể đến cặp Arnold Schwarzenegger (cựu thống đốc bang California)-Maria Shriver đã chung sống 25 năm. Cặp Al Gore (cựu phó tổng thống Mỹ)-Tipper Gore, chung sống được 40 năm.
Ly dị là một sự kiện không có gì lạ trong xã hội Mỹ, và cũng không phải là hiếm trong những xã hội đông phương ngày nay. Tuy nhiên, giữa lúc con số những vụ ly dị tại Hoa Kỳ nói chung, và trong giới trẻ nói riêng, đang hạ giảm, tỉ lệ này đang có khuynh hướng tăng cao trong số những người thuộc thế hệ ra đời trong đợt sinh sản mạnh sau Thế chiến thứ hai, người Mỹ gọi là baby boomers. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ đề cập đến những nguyên nhân đưa đến ly dị và tại sao tỉ lệ ly dị lại lên cao trong thế hệ baby boomers, qua bài phỏng vấn bác sỹ tâm trí Michael Gomez, hiện đang hành nghề tại Huntsville, bang Alabama và một số tài liệu trích dẫn từ báo chí tại Hoa Kỳ.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1