Đường dẫn truy cập

Đức gia nhập Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc tại Hàn Quốc


Khu phi quân sự phân chia giữa hai miền Triều Tiên
Khu phi quân sự phân chia giữa hai miền Triều Tiên

Đức hôm 2/8 đã gia nhập Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ lãnh đạo tại Hàn Quốc, trở thành quốc gia thành viên thứ 18 của nhóm nước giúp tuần tra đường biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt với Bắc Triều Tiên và cam kết bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Động thái này là bằng chứng cho thấy Berlin tin tưởng mạnh mẽ rằng an ninh châu Âu có liên hệ chặt chẽ với an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết trong một buổi lễ tại trụ sở quân sự chính của Mỹ ở Pyeongtaek, phía nam Seoul.

“Tôi tin rằng nhất là trong những thời điểm như thế này, khi thế giới bị định hình bởi khủng hoảng và chiến tranh, chúng ta cần thể hiện sự đoàn kết, chúng ta cần kiên quyết chống lại những kẻ muốn phá hoại hòa bình và ổn định, những kẻ tấn công trật tự chung của chúng ta,” ông nói.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ và các đối tác nhằm mở rộng các liên minh và quan hệ đối tác, bao gồm cả những liên minh trải rộng trên toàn cầu, và cố gắng biến bộ chỉ huy 74 năm tuổi này thành cơ sở an ninh cho cả khu vực rộng hơn.

Nhiều thành viên UNC, trong đó có Úc, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, đã gửi quân hay đóng góp hỗ trợ y tế trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Được thành lập vào năm 1950, UNC có sứ mạng khôi phục hòa bình và thực thi hiệp định đình chiến trong khi làm kênh liên lạc với Bắc Triều Tiên.

Nó được tư lệnh quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc lãnh đạo và không trực thuộc Liên Hợp Quốc.

“Việc có thêm nước Đức giúp sẽ đem đến thêm góc nhìn và nguồn lực cho Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc và tăng cường chuyên môn và năng lực tập thể của chúng tôi,” Tướng Lục quân Mỹ Paul LaCamera, Tư lệnh UNC và Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết.

Hàn Quốc và Hoa Kỳ coi UNC là một trong những định chế quan trọng mà ngày nay nó quan trọng hơn vài năm trước khi mà các chế độ chuyên chế trên toàn cầu đang tranh đấu với các nền dân chủ, ông Ramon Pacheco Pardo thuộc Trường King’s College ở London, cho biết.

“Trên hết, Đức hiện coi Hàn Quốc là một trong hai đối tác hàng đầu châu Á,” học giả quan hệ quốc tế này nói.

Tobias Bacherle, thành viên Ủy ban đối ngoại Nghị viện Đức, nói rằng ‘những hệ quả tàn bạo’ của việc Triều Tiên hợp tác quân sự với Nga gần đây cho thấy các nước phải đứng lên chống lại các liên minh độc tài như vậy trên toàn cầu.

Mỹ và các đồng minh cáo buộc Nga triển khai vũ khí do Triều Tiên sản xuất, bao gồm tên lửa đạn đạo và đạn pháo, ở Ukraine.

“Nó cho thấy các tình huống an ninh giữa các vùng khác nhau trên thế giới đan xen chặt chẽ như thế nào,” Bacherle nói với Reuters qua email.

Năm ngoái, Triều Tiên gọi UNC là ‘công cụ đối đầu của Mỹ’ không dính líu gì đến Liên Hợp Quốc và là ‘một tổ chức chiến tranh bất hợp pháp’ cần phải giải thể.

Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về mối quan hệ ngày càng lớn mạnh giữa các thành viên NATO và các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG