Đường dẫn truy cập

Giám đốc mạng của Anh: Trung Quốc nhắm ‘chiếm ưu thế công nghệ toàn cầu’


Văn phòng của công ty công nghệ Trung Quốc Alibaba tại Bắc Kinh (ảnh chụp ngày 10/8/2021).
Văn phòng của công ty công nghệ Trung Quốc Alibaba tại Bắc Kinh (ảnh chụp ngày 10/8/2021).

Trung Quốc đang nhắm mục tiêu “chiếm ưu thế công nghệ toàn cầu” trong không gian mạng và dùng khả năng mạng của mình để tiến hành các chiến dịch tình báo và theo dõi, giám đốc mạng của Anh cảnh báo ngày 19/4.

Ông Lindy Cameron, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Quốc gia (NCSC), một bộ phận của cơ quan tình báo tín hiệu Anh (GCHQ), cho biết Anh có “mối lo ngại chính đáng” về những tác động mà công nghệ Trung Quốc có thể gây ra đối với an ninh mạng.

Phát biểu tại một hội nghị an ninh mạng thường niên của chính phủ ở Belfast, ông Cameron nói: “Trung Quốc không chỉ thúc đẩy ngang hàng với các nước phương Tây, mà còn hướng tới chiếm ưu thế công nghệ toàn cầu”.

“Nói thẳng là chúng ta không thể đi sau Trung Quốc. Nếu không, chúng ta có nguy cơ để Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị trong không gian mạng.”

Ông Cameron nói thêm rằng Trung Quốc cũng đang sử dụng khả năng không gian mạng của mình để có được tài sản trí tuệ, đạt được các mục tiêu địa chính trị chiến lược và tiến hành các chiến dịch gián điệp toàn cầu.

Tháng trước, Anh đã cấm sử dụng TikTok trên điện thoại của chính phủ, theo sau các nước phương Tây khác cấm ứng dụng video do Trung Quốc sở hữu vì lo ngại về bảo mật.

TikTok đã bị giám sát ngày càng nhiều do lo ngại rằng dữ liệu người dùng từ ứng dụng thuộc công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh có thể lọt vào tay chính phủ Trung Quốc, làm suy yếu lợi ích an ninh của phương Tây.

Hoa Kỳ, Canada, Bỉ và Ủy ban Châu Âu cũng đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị chính thức.

Trung Quốc nói các lệnh cấm đó có động cơ chính trị. Bắc Kinh thường xuyên phủ nhận mọi liên quan đến tin tặc và nói rằng họ trừng phạt những người làm điều đó.

Cùng ngày 19/4 Anh cảnh cáo rằng bất kỳ mối đe dọa nào đối với người nước ngoài trên lãnh thổ Anh gây ra bởi Trung Quốc hoặc các nước khác là điều không thể chấp nhận và họ đang điều tra vấn đề này sau tin tức về cái gọi là đồn công an chìm của Trung Quốc.

Anh trước đây đã nói rằng các báo cáo về các đồn công an không được khai báo ở Anh là “cực kỳ đáng lo ngại” và cảnh sát đang xem xét vấn đề.

Đầu tuần này, các đặc vụ liên bang Hoa Kỳ đã bắt giữ hai cư dân New York bị cáo buộc điều hành một “đồn công an chìm” của Trung Quốc tại khu phố Tàu ở Manhattan. Trung Quốc cho biết họ kiên quyết phản đối điều mà họ gọi là “sự vu khống và bôi nhọ của Hoa Kỳ.”

Ngày 19/4, Bộ trưởng Cảnh sát Anh Chris Philp cho biết chính phủ Anh biết có khoảng 100 đồn như vậy trên khắp thế giới.

“Chính phủ này coi việc can thiệp vào công dân nước ngoài ở đây, đe dọa xuyên quốc gia, là điều cực kỳ nghiêm trọng. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn chuyện đó”, ông nhấn mạnh.

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Anh không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Chính phủ Trung Quốc trước đây cho biết có những trung tâm bên ngoài Trung Quốc do các tình nguyện viên địa phương điều hành, chứ không phải công an Trung Quốc, nhằm mục đích giúp công dân Trung Quốc gia hạn giấy tờ và cung cấp các dịch vụ khác.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG