Đường dẫn truy cập

Việt Nam yêu cầu rà soát hợp tác với 6 doanh nghiệp xuyên biên giới của Mỹ, Trung Quốc


Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng phải hoàn thành việc kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam chậm nhất là tháng 9/2023.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng phải hoàn thành việc kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam chậm nhất là tháng 9/2023.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Việt Nam vừa yêu cầu các nhà mạng rà soát hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới, bao gồm 3 công ty Mỹ Netflix, Apple, Amazon, và 3 công ty Trung Quốc là Tencent, IQIYI và Hồ Nam.

Yêu cầu được Bộ TTTT đưa ra theo Nghị định 71 sửa đổi, trong đó bổ sung một số quy định về quản lý, cung cấp và dịch vụ phát thanh, truyền hình có liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Một trong những quy định là buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải có “Giấy phép cung cấp dịch vụ”.

Bộ TTTT nói việc rà soát là nhằm “nhằm đảm bảo nội dung hợp tác không vi phạm những quy định cấm, cũng như không gián tiếp tạo điều kiện để các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật Việt Nam”.

Theo Bộ này, Netflix đã xác nhận sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. IQIYI, Tencent và Apple sẽ điều chỉnh hoạt động để chỉ phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Công ty Hồ Nam và Amazon cho biết sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Trong yêu cầu rà soát các hoạt động hợp tác với những doanh nghiệp trên, Bộ TTTT Việt Nam chỉ đạo các Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch không chấp thuận quảng cáo, truyền thông quảng bá cho dịch vụ của các doanh nghiệp trên khi họ chưa thực hiện các quy định hoặc chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Trong quyết định được công bố vào ngày 18/4, Bộ TTTT Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan phải “duy trì đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề xử lý tin xấu độc” và xem đây là “nhiệm vụ hàng đầu”.

Yêu cầu của Bộ là bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới phải chặn, gỡ “thông tin xấu độc” trong vòng 24 giờ và giới hữu trách có thể khóa trang, khóa kênh nếu có vi phạm nghiêm trọng.

Bộ này cũng yêu cầu việc kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam phải được hoàn thành chậm nhất là tháng 9/2023.

Theo Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh truyền hình đến năm 2025, Bộ TTTT Việt Nam đặt mục tiêu tăng thuê bao truyền hình trả tiền từ 17 triệu lên 25 triệu người dùng, tăng doanh thu truyền hình trả tiền từ 9.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng, tăng thuê bao truyền hình trả tiền OTT TV từ 3 triệu lên 12 triệu, tăng doanh thu truyền hình trả tiền OTT TV từ 300 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG