Đường dẫn truy cập

Hơn 100 trang tin giả do Trung Quốc điều hành đẩy mạnh tuyên truyền ở 30 quốc gia


Nhiều trang mạng microblog của Trung Quốc được hiển thị trên một màn ảnh tại Bắc Kinh ngày 13/11/2011.
Nhiều trang mạng microblog của Trung Quốc được hiển thị trên một màn ảnh tại Bắc Kinh ngày 13/11/2011.

Các trang web của Trung Quốc đang giả dạng làm các hãng tin tức địa phương để tuyên truyền nội dung ủng hộ Bắc Kinh, theo báo cáo của Citizen Lab chuyên nghiên cứu an ninh mạng tại Đại học Toronto được Newsweek trích dẫn.

Phân tích của Citizen Lab được đưa ra giữa lúc người ta ngày càng để mắt tới việc Trung Quốc ngày càng sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước chính thức và các kênh không chính thức để truyền bá thông điệp của Bắc Kinh trên toàn cầu. Trong những tháng gần đây, những công ty truyền thông xã hội khổng lồ như Facebook đã đóng cửa một mạng lưới các tài khoản điều hành các chiến dịch gây ảnh hưởng hoạt động bên ngoài Trung Quốc.

“Chiến dịch này là một ví dụ về hoạt động gây ảnh hưởng sâu rộng phục vụ cả lợi ích tài chính lẫn chính trị, đồng thời phù hợp với chương trình nghị sự chính trị của Bắc Kinh”, Citizen Lab cho biết trong một phúc trình hôm 7/2.

Citizen Lab gọi chiến dịch này là “Paperwall”, thu hút sự chú ý đến mạng lưới gồm 123 trang web được điều hành từ Trung Quốc, đóng vai trò là các cơ quan báo chí địa phương ở 30 quốc gia trên khắp Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ Latin.

Newsweek đã liên hệ với tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington để yêu cầu bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.

Chiến dịch này được thực hiện bởi Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Truyền thông Haimaiyunxiang Thâm Quyến, còn được gọi là Haimai, một công ty Quan hệ Công ở Trung Quốc, dựa trên phân tích của Citizen Lab về mối liên hệ giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của công ty và Paperwall.

Theo Newsweek, vào tháng 11 năm ngoái, cơ quan gián điệp của Hàn Quốc, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS), đã xác định được 38 trang web tin tức giả mạo bằng tiếng Hàn bị nghi ngờ có quan hệ với Haimai và Haixun, hai công ty quan hệ công cộng có trụ sở tại Trung Quốc.

NIS cáo buộc rằng mạng lưới các trang web tin tức giả có liên kết với Trung Quốc đã cố gắng gây ảnh hưởng dư luận bằng cách truyền bá các chính sách chống Mỹ và quan điểm thân Trung Quốc.

Tại châu Âu, các trang web có nguồn gốc từ Trung Quốc sử dụng tên tham chiếu khu vực như “Eiffel” hoặc “Provence” cho các trang web tiếng Pháp hoặc “Viking” cho các trang web nhắm mục tiêu đến Na Uy, Citizen Lab cho biết.

Tờ báo Il Foglio của Ý đã phát hiện ra một hoạt động gây ảnh hưởng tương tự vào tháng 10 năm 2023.

Citizen Lab đã điều tra thêm các tuyên bố của Il Foglio và chứng minh rằng tất cả các trang web là một phần của mạng lưới đều được lưu trữ trên địa chỉ IP Tencent Cloud của một công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

Citizen Lab nói: “Những phát hiện này xác nhận vai trò ngày càng quan trọng của các công ty tư nhân trong lĩnh vực hoạt động gây ảnh hưởng kỹ thuật số và xu hướng của chính phủ Trung Quốc trong việc sử dụng chúng”.

Vào tháng 8 năm 2023, Meta, công ty mẹ của Facebook, đã chính thức liên kết một chiến dịch gây ảnh hưởng mang tên “spamouflage” với Trung Quốc có mục đích lan truyền quan điểm ủng hộ Trung Quốc đồng thời sử dụng các nền tảng khác như Medium, X (trước đây gọi là Twitter), Reddit, YouTube, Vimeo và Soundcloud.

Meta nói: “Mạng lưới này có nguồn gốc từ Trung Quốc và nhắm mục tiêu vào nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm Đài Loan, Hoa Kỳ, Úc, Vương quốc Anh, Nhật Bản và khán giả nói tiếng Hoa trên toàn cầu”.

Ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã bác bỏ cáo buộc của Meta vào thời điểm đó.

“Một số người và tổ chức đã phát động hết chiến dịch tin đồn này đến chiến dịch khác chống lại Trung Quốc trên các nền tảng truyền thông xã hội và lan truyền một lượng lớn thông tin sai lệch về Trung Quốc”, ông Uông nói trong cuộc họp báo vào năm ngoái.

(Nguồn Newsweek/Citizen Lab)

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG