Đường dẫn truy cập

Hồng y Tòa Thánh: Vatican muốn nâng cấp quan hệ với Trung Quốc


Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin.
Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin.

Vatican muốn thành lập một văn phòng thường trú tại Trung Quốc và đây sẽ là một bước nâng cấp lớn trong quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cho biết hôm 21/5.

Mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc cộng sản trong lịch sử đã có nhiều căng thẳng, nhưng Giáo hoàng Phanxicô ưu tiên bình thường hóa mối quan hệ này, dựa trên một hiệp ước mang tính bước ngoặt hồi năm 2018 về bổ nhiệm các giám mục.

“Chúng tôi đã hy vọng từ lâu rằng chúng tôi có thể hiện diện ổn định ở Trung Quốc,” Quốc vụ khanh Parolin, cấp phó của Giáo hoàng Phanxicô, cho biết và nói thêm rằng Vatican có thể xem xét các công thức ngoại giao mới cho việc này.

Năm ngoái Vatican được phép có Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam, một quốc gia Cộng sản khác mà Vatican không có quan hệ ngoại giao. Ông Parolin đề xuất đại diện ở Trung Quốc có thể có tên gọi khác.

Ông nói: “Hình thức (của vị trí này) có thể khác nhau, chứ đừng có chăm chăm vào chỉ một mặt”.

Vị Hồng Y này cho biết việc Vatican công nhận Hội đồng Giám mục Trung Quốc – cơ quan do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát – cũng là một chủ đề được thảo luận và “công việc đang được tiến hành”. Hồng Y Parolin phát biểu như trên tại một hội thảo do Vatican tổ chức về Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, vốn là nền tảng hiếm hoi để hai nước đàm phán cấp cao.

Thời kỳ của sự kiên nhẫn và thử thách

Một trong những người tham dự hội thảo là Giám mục Thượng Hải Joseph Shen Bin, người được chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm mà không tham vấn Vatican, hành động rõ ràng là vi phạm hiệp định năm 2018. Tuy nhiên, Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn ngược thời gian việc bổ nhiệm này hồi năm ngoái.

Những người Công giáo bảo thủ đã chỉ trích thỏa thuận này là ‘bán đứng Giáo hội cho cộng sản Trung Quốc’, nhưng Vatican đã biện hộ rằng đó là cách thức không hoàn hảo để đối thoại kiểu nào đó với chính quyền vì lợi ích của tất cả người Công giáo Trung Quốc.

Trong một thông điệp video gửi đến hội nghị hôm 21/5, Giáo hoàng Phanxicô cho biết Giáo hội Công giáo đã phát triển ở Trung Quốc và các nơi khác “thông qua những con đường không biết trước, thậm chí qua những giai đoạn gặp thử thách và cần nhẫn nại”.

Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách “Hán hóa” tôn giáo, cố gắng loại bỏ tận gốc những ảnh hưởng từ nước ngoài và buộc người dân phải tuân theo Đảng Cộng sản. Ước tính có khoảng 10 đến 12 triệu người Công giáo ở Trung Quốc.

Giáo sư Zheng Xiaojun, diễn giả hàng đầu tại hội thảo ở Vatican và là giám đốc Viện Tôn giáo Thế giới tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ca ngợi cách tiếp cận của Giáo hoàng Phanxicô với Trung Quốc và cho biết tự do tôn giáo được hoàn toàn đảm bảo ở đất nước của bà.

Trong khi đó, các nhà quan sát bên ngoài không đồng ý. Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo mới nhất, tổ chức viện trợ Công giáo Aid to the Church in Need xếp Trung Quốc là một trong những nước vi phạm tư do tôn giáo tồi tệ nhất.

“Triển vọng về tự do tôn giáo vẫn là tiêu cực với tình trạng đàn áp và ngược đãi tiếp tục diễn ra, và với các công cụ công nghệ giám sát ngày càng tinh vi, việc trấn áp sẽ ngày càng xâm phạm và lan tràn,” báo cáo cho biết.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG