Đường dẫn truy cập

Ấn Độ đưa tầu ngầm hạt nhân vào Hải quân


Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony nói chiếc tầu sẽ tăng cường an ninh và chủ quyền đất nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony nói chiếc tầu sẽ tăng cường an ninh và chủ quyền đất nước.

Ấn Độ đã đưa một tầu ngầm hạt nhân vào hải quân, và trở thành nước thứ sáu trên thế giới có một tầu chiến như thế hoạt động. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha, chiếc tầu ngầm này đã được Nga cho thuê.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đã chính thức ủy nhiệm chiếc tầu ngầm 8.140 tấn vào hải quân tại một buổi lễ ở cảng Vishkhapatnam miền đông nước này. Ông nói chiếc tầu sẽ tăng cường an ninh và chủ quyền đất nước. Ấn Độ đã thuê chiếc tầu ngầm loại Akul II của Nga trong 10 năm với giá khoảng 1 tỷ đôla. Các nước khác có tàu ngầm hạt nhân là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Nga.

Nhân viên hải quân Ấn Độ đã được huấn luyện ở Nga để vận hành chiếc tầu ngầm, có thể ở dưới mặt nước khoảng 3 tháng. Chiếc tầu ngầm hạt nhân này sẽ tăng cường khả năng của hải quân để bảo vệ quyền lợi của Ấn Độ trong vùng Ấn Độ Dương.

Mặc dầu Ấn Độ coi cả Pakistan và Trung Quốc là các mối đe dọa tiềm tàng, trong mấy năm gần đây nhiều chuyên gia quốc phòng đã bắt đầu gọi Bắc Kinh là một đối thủ chính. Đặc biệt, New Delhi rất lo ngại về những tuyến đường của Bắc Kinh đi sâu vào Ấn Độ Dương, mà Ấn Độ coi như sân sau chiến lược của họ.

Chuyên gia về an ninh tại Trung âm Khảo cứu Chính sách Bharat Karnad nói chiếc tầu ngầm loại Akula II vừa được ủy nhiệm sẽ giúp chống lại sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc gần Ấn Độ.

Ông Karnad nhận định: “Trong trường hợp hải quân Trung Quốc tăng quân số trong phần thế giới này và chắc chắn trong vùng Ấn Độ Dương, thì Akula sẽ là loại tầu ngầm săn đuổi ở biển sâu có khả năng ngăn chặn bất cứ loại hoạt động bất thường nào của Trung Quốc.”

Trung Quốc đã tài trợ cho việc xây dựng các cảng ở Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan, và một số chuyên gia quốc phòng cảm thấy những cảng này có thể được Hải quân Trung Quốc sử dụng trong trường hợp xảy ra một vụ xung đột trong vùng. Ấn Độ dự trù sẽ có thêm một tầu ngầm hạt nhân thứ nhì vào cuối năm nay, khi các cuộc chạy thử được hoàn tất cho một chiếc tầu chiến khai triển trong nước. Các chuyên gia quốc phòng nói cuộc vận động của Ấn Độ nhằm hiện đại hóa quân đội của mình đã tập trung nhiều vào hải quân và không quân, trong khi việc hiện đại hóa lục quân bị bỏ xa phía sau.

Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ mới đây đã nói thiết bị quốc phòng lỗi thời làm suy yếu khả năng phòng vệ đất nước.

Mặc dầu Ấn Độ đang chi ra hàng tỷ đôla để mua thêm vũ khí mới, những cáo buộc về tham nhũng trong các vụ thầu về quốc phòng đã làm chậm tiến trình, và các giới chức thường do dự trong việc đưa ra các quyết định.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG