Đường dẫn truy cập

Kế hoạch của Trung Quốc về các lò phản ứng hạt nhân trên Biển Đông đề ra nhiều rủi ro


Giàn khoan Hải Dương Thạch Du của Trung Quốc tại Biển Đông. Hai công ty quốc doanh China General Nuclear Power Group và China National Nuclear Corp. loan báo kế họach phát triển các lò phản ứng hạt nhân nổi ở Biển Đông để dùng cho các giàn khoan và các cộng đồng trên đảo.
Giàn khoan Hải Dương Thạch Du của Trung Quốc tại Biển Đông. Hai công ty quốc doanh China General Nuclear Power Group và China National Nuclear Corp. loan báo kế họach phát triển các lò phản ứng hạt nhân nổi ở Biển Đông để dùng cho các giàn khoan và các cộng đồng trên đảo.

Quân đội Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang tiến tới phát triển các lò phản ứng hạt nhân nổi ở Biển Đông để củng cố yêu sách của nước này đối với lãnh thổ biển đang tranh chấp. Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch xây các tàu có nguồn năng lượng hạt nhân di động sẽ làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng và gây rủi ro cho môi trường.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc mô tả các nền tảng năng lượng hạt nhân trên biển này là những nhà máy nhỏ bên trong các con tàu và sẽ hoạt động như những “ngân hàng điện” di động trên biển cho các cơ sở cố định và các tàu khác. Bắc Kinh đã đình chỉ dự án này một năm trước vì những lo ngại về an toàn và hiệu quả, tờ South China Morning Post đưa tin.

Nhưng chỉ huy của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ và các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ trong tháng này cho biết Trung Quốc vẫn đang xây dựng các lò phản ứng nổi để cung cấp điện cho các đảo đang tranh chấp, tờ Washington Post đưa tin.

Mặc dù các quan chức Mỹ nói với Washington Post rằng việc triển khai các lò phản ứng như vậy sẽ mất vài năm nhưng Đô đốc John Aquilino cho biết sự phát triển của chúng sẽ phá hoại an ninh và ổn định khu vực.

Philippines tuần trước đã phản ánh những lo ngại đó.

Phụ tá Tổng Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya cảnh báo Trung Quốc sẽ sử dụng các lò phản ứng nổi để cung cấp năng lượng cho các căn cứ quân sự mà nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo, bao gồm cả những đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ông nói với truyền thông địa phương rằng các nhà máy hạt nhân này của Trung Quốc sẽ tiếp tục quân sự hóa các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Ông nói: “Bất cứ điều gì hỗ trợ sự hiện diện quân sự của họ ở những hòn đảo đó về mặt kỹ thuật đều là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chống lại lợi ích của chúng tôi”, đồng thời cho biết thêm rằng Úc và Mỹ sẽ nằm trong số các đồng minh của Manila tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông.

Bắc Kinh tuyên bố kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông, khiến nước này có tranh chấp với Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo có đường băng sân bay để củng cố yêu sách của mình.

Các nhà phân tích cho rằng các lò phản ứng nổi của Bắc Kinh sẽ không chỉ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực mà còn tạo cho họ cái cớ để mở rộng phạm vi hoạt động thông qua các hành động an ninh.

Ông Song Yanhui, giám đốc Hiệp hội Luật pháp Quốc tế của Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan, nói với VOA rằng khu vực an ninh quân sự hiện tại đối với các đảo nhân tạo của Trung Quốc có bán kính 500 mét, nghĩa là các máy bay và tàu khác đi vào bán kính này có thể bị bị trục xuất một cách hợp pháp.

Ông Song cho rằng nếu Trung Quốc triển khai nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông, nước này có thể lấy lý do bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm phóng xạ để xua đuổi tàu bè khỏi khu vực rộng lớn hơn hoặc thực hiện các biện pháp phòng thủ.

Đối với Bắc Kinh, ông nói: “Một mũi tên trúng hai con chim. Đó là một chiến lược thắng lợi nhiều mặt. Nó có thể tăng cường hiện diện quân sự, tăng cường sử dụng dân sự và tuyên bố chủ quyền”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, khả năng rò rỉ phóng xạ là mối lo ngại thực sự.

Ông Pankaj Jha, trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Toàn cầu Jindal của Ấn Độ, nói với đài VOA rằng việc Trung Quốc thiếu kinh nghiệm vận hành các lò phản ứng nổi như vậy có thể gây ra thảm họa.

Ông nói: “Đó là một mối đe dọa vì nó sẽ làm ô nhiễm nước và cả các khu vực xung quanh. Bất kỳ sự rò rỉ phóng xạ nào cũng sẽ khiến hòn đảo không thể ở được và cũng có thể ảnh hưởng đến ngư dân ở Biển Đông”.

Các nhà phân tích lưu ý trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, các lò phản ứng nổi cũng có thể trở thành mục tiêu quân sự.

Trung Quốc đã triển khai radar, phi đạn chống hạm và phòng không, máy bay chiến đấu, cùng các loại vũ khí khác, trên các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập, ba hòn đảo nhân tạo lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa.

Ông Richard Fisher, thành viên cao cấp của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, nói với đài VOA rằng các nhà máy điện hạt nhân nổi một ngày nào đó cũng có thể mở rộng khả năng vũ khí của Trung Quốc.

Ông Fisher nói: “Nếu được bảo vệ, những nhà máy điện hạt nhân này cũng có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị vũ khí năng lượng trong tương lai. Vũ khí laser có thể bắn hạ phi đạn và máy bay hoặc vũ khí vi sóng rất mạnh cũng có thể vô hiệu hóa phi đạn và máy bay đi vào trong tầm bắn của chúng”.

Ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington, không bình luận về những lo ngại liên quan tới kế hoạch của Trung Quốc trong việc tiếp tục phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi.

“Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết giải quyết thỏa đáng các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn với các nước liên quan, đồng thời mong muốn hợp tác với các nước ASEAN [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á] để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, thúc đẩy tham vấn về quy tắc ứng xử ở Biển Đông và cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực,” ông Lưu nói với VOA.

Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên cân nhắc chuyện xây dựng lò phản ứng hạt nhân nổi.

Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc đề xuất khái niệm này ngay từ năm 1970 nhưng do lo ngại về an toàn nên đã không nhanh chóng theo đuổi việc phát triển.

Nga là quốc gia duy nhất đưa nhà máy điện hạt nhân nổi vào hoạt động, với nhà máy Akademik Lomonosov sản xuất điện và sưởi ấm từ năm 2020 từ bến cảng ở Pevek, một thị trấn ở Vòng Bắc Cực.

Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA tại diễn đàn tháng 11 ở Vienna bày tỏ lo ngại về việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân nổi, đặc biệt khi chúng vượt qua biên giới quốc tế hoặc hoạt động trong vùng biển quốc tế.

Phó Tổng Giám đốc IAEA Lydie Evrard nói trong một thông cáo báo chí: “IAEA đang làm việc với các quốc gia thành viên của chúng tôi để xác định xem cần thêm hướng dẫn và tiêu chuẩn nào để đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân nổi”.

IAEA lưu ý rằng Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nga và Mỹ đều đang nghiên cứu “thiết kế lò phản ứng mô-đun nhỏ” trên biển.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG