Đường dẫn truy cập

Lo Mỹ trừng phạt, Nga ưu tiên ‘tiết kiệm’ trước ‘tăng trưởng’


Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga đang nỗ lực lấp đầy kho bạc nhà nước để có một khoản đệm lên tới 200 tỷ đôla chống các mối đe dọa như lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ. Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói đây là bước thận trọng, nhưng cái giá phải trả là hy sinh tăng trưởng kinh tế.

Với giá dầu cao, Nga đang đều đặn trích doanh thu từ ngành xuất khẩu chính của mình để gầy dựng Quỹ Thịnh vượng Quốc gia (NWF). Nước này cũng tăng thuế đánh vào ngành công nghiệp dầu mỏ, tăng thuế giá trị gia tăng, và nâng cao tuổi được hưởng lương hưu, một động thái được xem là gây tổn hại cho mức ủng hộ dành cho Tổng thống Vladimir Putin.

Bộ Tài chính cho rằng những thay đổi này sẽ giúp tăng quy mô Quỹ Thịnh vượng Quốc gia lên gần gấp bốn lần, đến 14,2 nghìn tỷ rúp (216,1 tỷ đôla), tương đương với 12% GDP vào năm 2021. Con số này gần với mức 16,9% GDP mà chính phủ Nga dự định chi tiêu trong năm 2021.

Reuters cho biết theo “nguyên tắc tài chính”, bất kỳ khoản lợi nhuận nào do giá dầu tăng cao hơn 40 đôla/thùng đều được đưa vào Quỹ NWF, là một phần của kho dự trữ ngoại hối và vàng của Nga, do ngân hàng trung ương nắm giữ.

Các nhà phân tích nói chiến lược tiết kiệm đó, được đặt ra trong kế hoạch ngân sách năm 2019-2021, là cực kỳ thận trọng.

Nhưng họ cũng cảnh báo rằng khi ưu tiên ổn định hơn thay vì phát triển, Nga sẽ không đạt được mục tiêu do ông Putin đặt ra là gia nhập nhóm 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2024. Sự chọn lựa này cũng thể hiện sự lo lắng của Điện Kremlin về các biện pháp trừng phạt trong thời gian tới.

“Điều này tốt cho ngân sách và từ quan điểm ổn định tài chính, nhưng xấu từ quan điểm phát triển kinh tế”, Reuters dẫn lời ông Vladimir Tikhomirov, kinh tế gia trưởng tại BCS cho biết.

Chính phủ Nga cho biết họ có kế hoạch vay tiền để tài trợ cho các dự án phát triển thay vì trích tiền ra từ quỹ NWF, điều này cho thấy tiền đầu tư sẽ rất hạn chế.

Đây là một chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt, nhà kinh tế Alexandra Suslina của nhóm Chuyên gia Kinh tế Nga cho biết. “Không có du di gì ở đây, và không có cảm giác là tương lai tươi sáng đang chờ đợi chúng ta, ngoại trừ trong dự báo kinh tế vĩ mô.”

Các quan chức Nga trong thời gian qua vẫn tuyên bố công khai về mong muốn tích trữ tiền mặt trong trường hợp nền kinh tế bị sốc do tác động từ bên ngoài như các biện pháp chế tài, hoặc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hoa Kỳ sẽ sớm quyết định liệu có áp đặt một đợt cấm vận thứ nhì vì vụ đầu độc điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông ở Anh, một tội ác mà Nga phủ nhận.

Ngoài ra, các nhà lập pháp Mỹ còn đang đưa ra một dự luật đặt tên là “dự luật từ địa ngục”, mà nếu được thực thi, sẽ trừng phạt Moscow gắt gao hơn nữa về những cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào các vấn đề chính trị tại Hoa Kỳ, và các hoạt động của Mỹ ở Syria và Ukraine.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG