Đường dẫn truy cập

Lo ngại Iran, Mỹ rút nhân viên khỏi Iraq


Washington ra lệnh cho các nhân viên không khẩn cấp của Mỹ phải rời khỏi các phái bộ ngoại giao tại Iraq vào ngày thứ Tư trong một hành động rõ ràng cho thấy sự lo ngại về điều mà họ mô tả là những mối đe dọa từ Iran.

Máy bay trực thăng cất cánh suốt cả ngày từ khu nhà đại sứ quán rộng lớn gần sông Tigris, chở nhân viên ra ngoài, Reuters dẫn một nguồn tin người Iraq và một nguồn tin ngoại giao bên trong Vành đai Xanh được phòng thủ kiên cố của Baghdad cho biết. Nguồn tin người Iraq nói nhân viên Mỹ đang bay đến một căn cứ quân sự tại sân bay Baghdad.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gia tăng áp lực chế tài mới đối với Tehran và nói rằng họ sẽ gửi thêm lực lượng đến Trung Đông để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Iran đối với binh sĩ và các lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Iran gọi đây là “chiến tranh tâm lí” và một tư lệnh người Anh tỏ ra nghi ngờ những lo ngại của quân đội Mỹ về mối đe dọa đối với khoảng 5.000 binh sĩ của họ ở Iraq, những người đã giúp lực lượng an ninh Iraq chống lại các chiến binh thánh chiến Nhà nước Hồi giáo.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói các nhân viên của cả Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và lãnh sự quán Mỹ ở Erbil, thủ phủ của vùng Kurdistan bán tự trị, đang được rút đi ngay lập tức vì những lo ngại về an toàn.

Không rõ có bao nhiêu nhân viên bị ảnh hưởng, và không có thông tin về bất cứ mối đe dọa cụ thể nào. Các dịch vụ visa đã bị đình chỉ tại các phái bộ ngoại giao được phòng thủ nghiêm ngặt của Mỹ.

“Đảm bảo sự an toàn của nhân viên chính phủ Hoa Kỳ và công dân Hoa Kỳ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi ... và chúng tôi muốn giảm thiểu rủi ro tổn hại,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Cả Mỹ và Iran đều nói rằng họ không muốn chiến tranh, và Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi hôm thứ Ba nói ông có những chỉ dấu cho thấy “mọi thứ sẽ kết thúc tốt đẹp” dù có những lời lẽ cứng rắn.

Iraq là một trong những nước duy nhất có quan hệ thân thiết với cả Mỹ và Iran. Nước này đã nói rằng họ sẽ giữ mối quan hệ vững mạnh mẽ với Iran, và với cả Mỹ và các nước láng giềng Ả-rập trong khu vực. Một số nước như Ả-ập Xê út coi Tehran là đối thủ cạnh tranh hàng đầu.

Mỹ, chiếm cứ Iraq từ 2003-2011 sau khi xâm lược nhằm lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein, đã điều quân đội trở lại đó vào năm 2014 để giúp chống lại Nhà nước Hồi giáo. Iran có quan hệ chặt chẽ với các đảng chính trị hùng mạnh ở Iraq và hỗ trợ các nhóm dân quân người Shia hùng mạnh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG