Đường dẫn truy cập

Luật sư: Không dễ truy tố hình sự ông Donald Trump


Phiên điều trần cuối cùng của Ủy ban 6/1 của Quốc hội đã quyết định chuyển hồ sơ qua Bộ Tư pháp để đề nghị truy tố hình sự ông Donald Trump
Phiên điều trần cuối cùng của Ủy ban 6/1 của Quốc hội đã quyết định chuyển hồ sơ qua Bộ Tư pháp để đề nghị truy tố hình sự ông Donald Trump

Việc Quốc hội đề nghị truy tố cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về các tội hình sự ‘chỉ có ý nghĩa biểu tượng’ chứ không nhất định dẫn đến ông Trump bị truy tố trên thực tế do đây là một việc ‘hết sức phức tạp’, một luật sư nói với VOA.

Hôm 19/12, phiên điều trần cuối cùng của Ủy ban 6/1 của Hạ viện vốn điều tra những sự việc dẫn đến cuộc bạo loạn chết người tại Điện Capitol hôm 6/1/2021 đã đề nghị đưa ông Trump ra Bộ Tư pháp để truy tố về bốn tội: cản trở quy trình pháp lý chính thức, âm mưu lừa đảo đất nước, đưa ra các tuyên bố sai sự thật một cách chủ ý và xúi giục bạo loạn. Đây đều là những trọng tội hình sự có thể dẫn đến án tù.

Ủy ban 6/1 đã đi đến kết luận cuối cùng này sau hơn 18 tháng làm việc với 10 phiên điều trần trước công chúng, hơn 1.200 cuộc phỏng vấn các nhân chứng và xem xét hàng trăm ngàn trang tài liệu. Ủy ban do đảng Dân chủ lãnh đạo này sẽ giải thể vào đầu năm sau khi đảng Cộng hòa lên nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

“Chế độ của chúng ta không thể là chế độ công bằng nếu những kẻ lâu la phải vào tù trong khi nhân vật chủ mưu và cầm đầu được cho qua”, Dân biểu Jamie Raskin, thành viên Ủy ban 6/1 phát biểu khi công bố quyết định của Ủy ban.

‘Khác nhau về căn bản’

Trao đổi với VOA từ thành phố Westminster thuộc Quận Cam, bang California, ông Nguyễn Quốc Lân ở văn phòng Luật sư Nguyễn Quốc Lân và các cộng sự, nhận định rằng việc đề nghị truy tố này ‘có ý nghĩa rất hạn chế’ đối với Bộ Tư pháp.

“Tâm lý của Ủy ban 6/1 là họ muốn có kết cục nào đó sau khi tổng kết, báo cáo, giờ đến lúc đóng lại hồ sơ”, ông nói.

Theo lời vị luật sự này, tại Bộ Tư pháp cũng đang có những cuộc điều tra về ông Trump và cuộc điều tra của họ và của Quốc hội ‘khác nhau về bản chất’ dù cũng thu thập những bằng chứng, dữ kiện và phỏng vấn các nhân chứng giống nhau.

“Mục tiêu của Quốc hội là muốn biết thật sự chuyện gì đã xảy ra để đưa ra những luật lệ thích ứng ngăn ngừa”, Luật sư Lân phân tích. “Còn mục tiêu điều tra của Bộ Tư pháp là để chứng minh trước tòa án là bị cáo có tội.”

Do đó, những bằng chứng do Ủy ban 6/1 chuyển sang ‘cũng sẽ được Bộ Tư pháp cân nhắc, cứu xét nhưng cứu xét đến mức độ nào, với tiêu chuẩn nào, cho mục đích gì hay thậm chí là sử dụng hay không là quyền của Bộ Tư pháp’, ông nói thêm.

Theo lời ông, Ủy ban 6/1 có thể cho hành vi của ông Trump ‘là vi phạm luật pháp nghiêm trọng, đi ngược lại Hiến pháp, lật đổ chính quyền’ nhưng họ không thể áp đặt cách nghĩ đó lên Bộ Tư pháp.

“Thành ra chuyện đưa sang Bộ Tư pháp nó chỉ có tác dụng biểu tượng nhiều hơn thực tế, vì việc điều tra và truy tố là việc của Bộ Tư pháp chứ không phải của Quốc hội,” ông Lân nói.

Nếu không có đề nghị này của Ủy ban 6/1, Bộ Tư pháp vẫn tiến hành điều tra để đi đến quyết định truy tố. Công việc này hiện do ông Jack Smith, công tố viên độc lập được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm hôm thực hiện, ông Lân cho biết thêm.

Theo giải thích của ông, với việc ông Trump loan báo ra tranh cử tổng thống lần thứ ba, việc chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden điều tra ông Trump là ‘tình thế rất nhạy cảm’ và ‘có thể bị diễn giải là đấu tranh phe phái để triệt hạ ông Trump’. Do đó, Bộ trưởng Tư pháp đã chỉ định Công tố viên đặc biệt để thực hiện công việc này một cách độc lập.

“Công tố viên đặc biệt không bị Tổng thống hay Bộ Tư pháp chi phối, họ điều tra thấy sao thì họ quyết định trong thẩm quyền”, luật sư Lân nói và cho biết công tố viên đặc biệt ‘không có nghĩa vụ báo cáo hay xin ý kiến Bộ trưởng Tư pháp về việc có truy tố ông Trump hay không’ và ‘không có các mốc thời gian nào để thực hiện công việc’.

“Tùy từng tội danh mà có thời hiệu truy tố khác nhau, có tội phải truy tố trong vòng 2 năm, có tội phải truy tố trong vòng 3 năm”, ông nói thêm.

‘Ưu ái đặc biệt’

Ông nói các tội danh mà ông Trump bị đề nghị truy tố đều là tội đại hình (felony) có mức án tù nặng nhẹ khác nhau nhưng kết quả sau cùng nếu ông Trump bị truy tố thật sự ‘có thể rất khác’.

“Tất cả là do hai bên truy tố và biện hộ điều đình với nhau, chẳng hạn như cái này có lý, cái kia không có lý, cái này mạnh, cái này yếu… kết quả có thể là án tù chỉ vài ba tháng hay án tù treo để ông Trump không bao giờ nắm giữ vị trí công quyền nào nữa”, ông giải thích.

Về lý do tại sao cuộc điều tra và truy tố ông Trump lại tiến hành chậm chạp đến vậy trong bối cảnh các cử tri Dân chủ liên tục gây sức ép phải ‘thực thi công lý’ và ‘trừng trị ông Trump’, ông Lân nói việc ông Trump là cựu tổng thống giúp cho ông ‘có được những ưu ái đặc biệt khác với dân thường’.

Bề ngoài, cơ quan tư pháp Mỹ tuyên bố là ‘không có ai đứng trên luật pháp, cho dù có là tổng thống hay cựu tổng thống đi chăng nữa’ nhưng ‘khi đụng đến một cựu tổng thống thì họ vẫn phải luôn cân nhắc’, luật sư Luân đưa ra nhận định cá nhân.

“Cân nhắc đó thực ra là ưu đãi đối với cựu tổng thống, đối với tổng thống đương nhiệm. Đó là hình thức đứng trên pháp luật”, ông Lân nói.

Ông đưa ra dẫn chứng về một cuộc điều tra mà Bộ Tư pháp đang tiến hành về việc ông Trump đem theo hàng chục thùng tài liệu tối mật về dinh thự ở Mar-a-Lago sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống đến giờ vẫn chưa trả hết mà ‘vẫn không bị hề hấn gì’.

“Nếu là một nhân viên chính phủ bình thường được phép tiếp xúc với tài liệu mật mà làm như vậy, hay chỉ là trong một phút sai sót đem tài liệu mật ra ngoài uống nước thôi, thì coi như xong đời”, ông nêu ra một so sánh.

Tuy nhiên, lý do có ưu đãi này không phải vì thân phận đặc biệt của ông Trump mà là vì thân phận đó có thể gây ra những hậu quả trong số những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành nếu ông bị truy tố, vị luật sư này nhận định.

Sự cân nhắc đó để ‘đảm bảo chắc chắn rằng một khi đưa ra ông Trump truy tố thì sẽ thắng, phải chắc chắn đến 99,99%’ , theo lời ông Lân, do đó áp lực lên công tố viên đặc biệt là ‘rất lớn’.

Chẳng hạn phe ông Trump sẽ biện hộ ông chỉ kêu gọi thôi chứ ‘làm sao biết được những ủng hộ viên của ông đi bạo loạn’ nên không thể ‘quy trách nhiệm cho ông về hành động của họ được’. Cho nên, công tố viên đặc biệt sẽ phải xem xét các bằng chứng rất kỹ lưỡng.

Khi được hỏi tại sao không xử lý các vụ án này thuần trên phương diện pháp lý và bỏ qua các yếu tố chính trị, luật sư Lân nói các vụ điều tra này ‘về cơ bản mang màu sắc chính trị’.

Do đó, phe ủng hộ ông Trump có thể tận dụng yếu tố chính trị này để lập luận rằng ‘đây là âm mưu của Nhà nước ngầm muốn hạ bệ Trump’ và ‘công tố viên đặc biệt chỉ là trá hình’. Những suy đoán như vậy dù thiếu cơ sở nhưng ‘chắc chắn sẽ được nhiều người Mỹ tin’, ông nói.

Chính vì vậy, quyết định có truy tố ông Trump hay không phải xét đến các yếu tố chính trị như tác động đến cuộc bầu cử, khả năng các ủng hộ viên ông Trump làm loạn…

Tuy nhiên, một khi đã truy tố thì việc phán quyết của bồi thẩm đoàn là ông Trump có tội hay không thì ‘hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi chính trị’, Luật sư Nguyễn Quốc Lân nói thêm.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG